Từ ngày 20 - 25/9/2015, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ đã có chuyến công tác tại Hàn Quốc để triển khai hợp tác về truyền thông khoa học và công nghệ (KH&CN).

Tham gia đoàn công tác có cán bộ đại diện Bộ Tài chính, Vụ Kế hoạch Tổng hợp, Sở KH&CN Cao Bằng, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Văn phòng KH&CN- Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc.

Với mục đích thúc đẩy hơn nữa hợp tác thông qua trao đổi nghiên cứu và đào tạo, trong khuôn khổ chuyến công tác, ngày 25/9, Đại học Hankuk – Hàn Quốc và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác, trao đổi nghiên cứu khoa học, đào tạo và truyền thông KH&CN nhằm thúc đẩy việc thiết lập một mối quan hệ cùng có lợi cho cả hai bên. Tại buổi làm việc GS.TS.Bo Wha Lee – Phó Chủ tịch Đại học Hankuk đã giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của Trường, theo đó Đại học Hankuk được thành lập năm 1954 và hiện nay đã trở thành một trong số các Đại học hàng đầu của Hàn Quốc, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của Hàn Quốc, đồng thời là cầu nối tăng cường sự hợp tác giữa Hàn Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới.


TS. Trần Quang Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm NC&PT Truyền thông KH&CN và GS.TS.Bo Wha Lee – Phó Chủ tịch Đại học Hankuk ký Biên bản ghi nhớ hợp tác


Nội dung hợp tác hai bên ký kết bao gồm:

Thứ nhất, về các hoạt động hợp tác chung về KH&CN: Phát triển các chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ giữa hai bên; Hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của đội ngũ nghiên cứu viên; Trao đổi chuyên gia KH&CN của hai bên; Hợp tác, cùng hỗ trợ phát triển hoạt động truyền thông KH&CN, bao gồm việc triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu để phát triển truyền thông KH&CN; đề xuất các giải pháp và tổ chức thực hiện nhằm nâng cao sự hiểu biết của công chúng về KH&CN. Cùng với đó là trao đổi thông tin, tài liệu về các nội dung hai bên cùng quan tâm phù hợp với pháp luật của mỗi nước.

Thứ hai, về các nội dung hợp tác chính với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN: Hỗ trợ cho cán bộ của hai bên tham gia các hoạt động: tham quan, khảo sát, học tập, trao đổi kinh nghiệm về nghiên cứu và phát triển truyền thông KH&CN; Tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học về các nội dung hai bên cùng quan tâm, đặc biệt về lĩnh vực truyền thông KH&CN và nâng cao nhận thức của công chúng về KH&CN; Hợp tác nghiên cứu về truyền thông KH&CN, đặc biệt chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc về công tác nâng cao nhận thức của công chúng về KH&CN; Hỗ trợ các hoạt động nhằm nâng cao nguồn nhân lực cho cán bộ của Trung tâm nghiên cứu và phát triển truyền thông KH&CN như đào tạo cán bộ của Trung tâm, nâng cao trình độ công nghệ trong truyền thông KH&CN.


TS. Trần Quang Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm NC&PT Truyền thông KH&CN và GS.TS.Bo Wha Lee – Phó Chủ tịch Đại học Hankuk chụp ảnh lưu niệm


Trước đó, đoàn công tác đã có buổi làm việc với Tập đoàn Systran, Quỹ Khoa học và Sáng tạo Hàn Quốc (KOFAC), Viện Quốc gia về thông tin sáng chế (KIPI), Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và hoạch định tương lai (MSIP).

Ngày 21/9, đoàn công tác đã làm việc với Tập đoàn Systran. Tại buổi làm việc, phía Systran đã giới thiệu về lịch sử hình thành, cơ cấu tổ chức, quá trình hoạt động và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công nghệ dịch thuật tự động hiện nay. Thành lập năm 1968 tại Mỹ và hoạt động ở đó trong suốt giai đoạn từ 1968-1986. Đến năm 1986, Systran thành lập thêm một công ty ở Pháp, trở thành một công ty vững mạnh về dịch thuật. Năm 2014, Systran có mặt tại Hàn Quốc. Đến nay, Systran đã dịch 135 ngôn ngữ trên thế giới với tổng số 180 nhân viên ở Hàn Quốc, Mỹ, Pháp. Lãnh đạo tập đoàn Systran cho rằng đầu tư vào KH&CN là con đường ngắn nhất đi tới sự thịnh vượng của Hàn Quốc. Lãnh đạo tập đoàn Systran mong muốn Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN sẽ là cầu nối triển khai phát triển phần mềm dịch thuật tự động của Systran tại Việt Nam.

Trao đổi về vấn đề này, TS. Trần Quang Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Trưởng đoàn công tác đã khẳng định vai trò quan trọng của công nghệ thông tin nói chung và công nghệ dịch thuật tự động nói riêng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đề xuất vận dụng, phát triển công nghệ dịch thuật phù hợp với điều kiện của Việt Nam theo từng mảng như: du lịch, cải cách thủ tục hành chính…. Ông Trần Quang Tuấn bày tỏ tin tưởng vào sự hỗ trợ của Hàn Quốc và mong rằng dự án được triển khai hiệu quả, không chỉ có ý nghĩa đối với Việt Nam mà cả Hàn Quốc.

Chiều cùng ngày, đoàn công tác đã có buổi làm việc với Quỹ Khoa học và Sáng tạo Hàn Quốc (KOFAC). TS. Seunghwan Kim - Chủ tịch KOFAC bày tỏ vui mừng được đón tiếp đoàn và khẳng định đây là một buổi gặp gỡ đặc biệt. Chủ tịch Seunghwan Kim cho biết, KOFAC thành lập năm 1967, khi đó Hàn Quốc còn là một nước nghèo, người đứng đầu đất nước đã cố gắng mở ra một kế hoạch để phát triển đất nước. Họ khẳng định rằng muốn phát triển đất nước phải phát triển khoa học công nghệ và văn hóa. Làm được điều đó phải dựa vào những người có trình độ.

“Đất nước giao nhiệm vụ cho chúng tôi, chúng tôi nắm bắt cơ hội và tạo nên nền tảng lớn hơn. Quan trọng nhất là đem KH&CN quảng bá rộng rãi để mọi người hiểu biết để cùng phát triển”, Chủ tịch Seunghwan Kim cho hay.


Đoàn công tác của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN đến thăm và làm việc với Quỹ Khoa học và Sáng tạo Hàn Quốc (KOFAC)

Mục đích thành lập KOFAC là để có nền tảng về văn hóa khoa học lớn nhất của Hàn Quốc. Do vậy, KOFAC đã xây dựng chiến lược phát triển, phối hợp cùng với trường học để đưa ra những thí nghiệm khoa học tốt. Đồng thời quảng bá cho các nhà chính trị biết những gì đã nghiên cứu được, cố gắng giúp đỡ những nơi họ cần đến, chọn lọc, mở rộng cho mọi người cùng biết đến văn hóa khoa học.

Thật vậy, trong nhiều năm qua, KH&CN đã mang lại sự đổi mới và hạnh phúc cho người dân Hàn Quốc. Trải qua hơn gần nửa thế kỷ phát triển, với những thay đổi liên tục và đổi mới, KOFAC đã trở thành trung tâm truyền bá văn hóa khoa học và nuôi dưỡng những tài năng sáng tạo. Như một bàn đạp cho một mô hình mới, KOFAC hướng đến xây dựng nền tảng văn hóa nơi sự sáng tạo được tôn trọng, hướng tới đưa Hàn Quốc trở thành một quốc gia tiên tiến về KH&CN trên thế giới.

Đại diện KOFAC khẳng định, muốn phát triển KH&CN trước tiên người dân phải xem trọng và hiểu về KH&CN. Theo đó, KOFAC đã triển khai những hoạt động rất đa dạng như truyền hình KH&CN để quảng bá cho người dân. Mở ra những triển lãm về khoa học để người dân gần gũi với hoa học hơn. Qua đó giúp người dân nhận thức được khoa học ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và nắm bắt khoa học sinh động hơn.

Không chỉ dừng lại ở việc quảng bá những điều đã làm được, mà KOFAC đi vào nghiên cứu những vấn đề mới mẻ hơn để hoạt động. KOFAC hướng tới cách thức làm sao để mọi người dân bước vào khoa học càng sớm, càng tốt. Do vậy, bắt đầu từ lớp 4 và liên tục đến cấp 3, các em học sinh đã bắt đầu tìm hiểu về khoa học cả về lý thuyết và thực hành. KOFAC sử dụng những điều gần gũi, thiết thực nhất để quảng bá, truyền cảm hứng về khoa học cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ thông qua các buổi thực nghiệm, giao lưu trao đổi của các nhà khoa học thành danh với học sinh, sinh viên. Đặc biệt, KOFAC đã và đang xuất bản những cuốn sách về khoa học. Cùng với đó là tặng quà, khuyến khích những người có sáng tạo mới về khoa học. Dựa trên hiểu biết về khoa học của người dân, từng bước từng bước một, KOFAC đang cố gắng đưa các chương trình khoa học ngày một hiệu quả hơn.

Với kinh phí hoạt động 1 tỷ USD/1 năm hoàn toàn từ ngân sách nhà nước, KOFAC giúp nâng cao nhận thức của công chúng về KH&CN. Họ cho rằng chia sẻ với người dân là hiệu quả nhất, truyền thông KH&CN tốt sẽ giúp giảm chi phí xã hội.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, đoàn đã làm việc với Viện quốc gia về thông tin sáng chế (KIPI). Đại diện KIPI đã giới thiệu tổng quan về cơ cấu tổ chức, nguồn vốn ODA, dịch vụ dịch thuật. Thành lập năm 1995, năm 2001 KIPI đã thành công và tự một mình đứng lên phát triển. KIPI đã giúp nâng cao nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ thông qua các cách thức truyền thông về sở hữu trí tuệ như quảng cáo trên tàu điện ngầm bằng pano, dùng internet, thông qua trò chơi có thưởng, thông qua mạng internet. Nếu như trước kia người dân chưa nhận thấy tầm quan trọng của thông tin về sở hữu trí tuệ, giờ đây thông qua cách thức truyền thông họ nhận thấy thông tin có vai trò quan trọng. Đặc biệt, thông tin về một sáng tạo mới liên quan nhiều đến sự phát triển cho tương lai.

Tại buổi làm việc với Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và hoạch định tương lai (MSIP), đoàn công tác đã lắng nghe chia sẻ về vai trò, đóng góp của công nghệ thông tin đối với sự phát triển của Hàn Quốc, đặc biệt là công nghệ dịch thuật tự động, phía Hàn Quốc mong muốn sớm đưa công nghệ này vào Việt Nam và mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam cũng như Hàn Quốc.