Đọc các bài viết về mô hình phòng thí nghiệm (PTN) tự chủ trên báo Khoa học và Phát triển gần đây, tôi thấy mô hình microlab - PTN do nhà khoa học trích tiền đề tài để trang bị hoặc gọi tài trợ dựa trên uy tín của mình tuy rất hay, nhưng không có sức mạnh tổng hợp để giải quyết các bài toán lớn như máy gia tốc hay hệ thống tên lửa. Mỗi lab nhỏ chỉ tập trung vào một nhiệm vụ cụ thể, để làm nhiệm vụ lớn thì cần tổng hợp các nguồn lực.
TS Nguyễn Trần Thuật tại nơi làm việc - Trung tâm Nano và Năng lượng, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VN
Do đó, chúng ta vẫn cần loại lab lớn - gọi là platform, cho phép làm ra các sản phẩm mà microlab không làm được. Platform có thể không phải của một trường mà một cụm trường cùng chia sẻ, đó là cách thế giới làm. Trong platform có nhiều PTN nhỏ, nhiều doanh nghiệp hoạt động xung quanh.
Tuy nhiên, với platform cần tạo cơ chế cho các nhà khoa học sử dụng nó như PTN của họ. Ở Đại học (ĐH) Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, tất cả thiết bị chúng tôi có đều dựa trên đề xuất của các nhà khoa học. Kể cả đề tài cũng tự đề xuất. Sau khi sử dụng thiết bị, phải chứng minh được hiệu quả bằng các báo cáo về kết quả đào tạo, nghiên cứu, phát minh, sáng chế, chuyển giao công nghệ hay số tiền đề tài mang về.
Theo tôi, Việt Nam cần phát triển song song 2 mô hình PTN kể trên. Microlab đem lại hiệu quả nhanh, giúp ra nhiều bài báo khoa học, còn platform tạo nguồn lực tập trung, giải quyết bài toán lớn. Trung tâm Nano và Năng lượng, ĐH Khoa học Tự nhiên đang hướng tới mô hình này, nhưng đang vướng phải vấn đề kinh phí nhà nước hay các đề tài cấp chi phí vận hành và bảo trì, bởi đây là con số lớn. Ví dụ hệ thống lớn như máy gia tốc chỉ chạy 3 tháng mỗi năm, 9 tháng còn lại phải bảo trì.