Tập trung vào công nghệ thông tin
Khẳng định sự đồng tình với đánh giá của các bộ, ngành rằng trình độ công nghiệp và nghiên cứu của Việt Nam còn ở mức trung bình và thấp, doanh nghiệp chưa đảm bảo trang bị kiến thức trí tuệ và công nghệ, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đề xuất: “Khu vực lợi thế của chúng ta hiện nay là công nghệ thông tin (CNTT), truyền thông công nghiệp số. Lĩnh vực này đã có sự chuẩn bị. Đây là điểm cần tập trung cao độ và có thể ứng dụng vào các ngành cụ thể như ngân hàng, tài chính để mang lại giá trị gia tăng và các ngành tiềm năng như nông nghiệp thông minh, đô thị thông minh, giao thông thông minh, y tế... Chính phủ cần đặt ra yêu cầu cho các ngành, các lĩnh vực xem cách tiếp cận của ngành có thể kế thừa, chuyển giao như thế nào”.
Bộ trưởng cũng tham mưu Chính phủ định hướng tiếp cận chủ đạo 5 trụ cột - những yếu tố cần có sự chuẩn bị tích lũy nhất định - gồm hạ tầng cơ sở, trung tâm dữ liệu, ứng dụng CNTT, nhân lực, an ninh an toàn. “Chúng ta thực sự phải có bứt phá về CNTT, công nghệ số. Tất cả các nước đều đang tập trung đầu tư cao độ vào khu vực này từ nghiên cứu đến sáng chế. Họ coi đây là nòng cốt và có những nghiên cứu phù hợp với từng quốc gia để đưa vào ứng dụng” - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Ông cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương vào cuộc theo cách nhìn mô hình công nghiệp hóa trong từng lĩnh vực để có cơ chế, chính sách đồng bộ, giúp sản phẩm tích hợp được những công nghệ trên nền tảng của Industry 4.0.
“Khi làm việc với Bắc Ninh, chúng tôi được biết lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo xây dựng hạ tầng CNTT cáp quang băng thông rộng, triển khai chính phủ điện tử, đô thị thông minh; ưu đãi để các doanh nghiệp sản xuất và đầu tư trong lĩnh vực công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đào tạo nhân lực theo mô hình STEM và đào tạo từ xa; triển khai du lịch thông minh bằng cách số hóa hệ thống thông tin về danh lam thắng cảnh, lễ hội… Đây là cách tiếp cận hết sức phù hợp với điều kiện của Việt Nam” - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.
Tận dụng mọi cơ hội từ Industry 4.0
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, muốn tận dụng cơ hội từ Industry 4.0 thì đầu tiên phải có hành động mang tính đột phá về CNTT. “Cần đẩy mạnh dịch vụ công qua mạng, phát triển nguồn nhân lực CNTT hay tìm ra một số doanh nghiệp chủ lực - không kể là doanh nghiệp nhà nước, tư nhân hay liên doanh - để đặt các bài toán cụ thể về vấn đề này” - Phó Thủ tướng nói.
Từ báo cáo và các ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu có giải pháp tận dụng cơ hội, hạn chế thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0. Các cấp, các ngành phải làm tốt công tác truyền thông, tăng cường nhận thức “để toàn xã hội, từng người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đều hiểu về thời cơ, thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo trong phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 3/4. Ảnh: Quang Hiếu
Thủ tướng đề nghị các viện nghiên cứu, các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân cùng tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng này để đất nước có bước đột phá về kinh tế - xã hội. Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cần kịp thời nghiên cứu đề xuất với Thủ tướng những chính sách, thể chế cần thay đổi, bổ sung.
Thủ tướng giao Bộ KH&CN chủ trì theo dõi tình hình triển khai việc tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng báo cáo kết quả thực hiện hằng năm; đôn đốc, tham mưu, đề xuất để đưa cuộc cách mạng này vào Việt Nam một cách mạnh mẽ, quyết liệt. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ trưởng nhận thức rõ về cuộc cách mạng này, “tránh tình trạng chỗ nào cũng nói đến cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng được hỏi làm gì cho bộ mình, ngành mình thì không ai biết rõ ràng”.