Trong một động thái chưa từng có, các trường đại học nghiên cứu hàng đầu của Hàn Quốc đã đồng lòng kêu gọi tẩy chay bảng xếp hạng đại học toàn cầu của QS, cho rằng tổ chức này không quan tâm đến khiếu nại của họ về sự thiếu minh bạch và “những lỗi toán học" trong phương pháp xếp hạng mới.

52 trường đại học - trong đó có những cơ sở uy tín nhất như Đại học Quốc gia Seoul SNU, Đại học Hàn Quốc, Đại học Yonsei, Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc KAIST, Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang POSTECH… - đã thống nhất thành lập Diễn đàn Xếp hạng Đại học Hàn Quốc URFK vào tháng trước để phản đối những thay đổi về phương pháp trong Xếp hạng Đại học Thế giới QS WUR 2024 vừa được công bố mới đây.

NSU
Đại học Quốc gia Seoul (SNU) đứng thứ 41 toàn cầutrên QS WUR 2024. Trong ảnh: Một lớp học tại (SNU). Nguồn: SNU

Có 43 cơ sở giáo dục đại học của Hàn Quốc có tên trên QS WUR 2024 và tất cả đều bị tụt hạng, trừ một trường. Điều tương tự cũng xảy ra với một số trường đại học nổi tiếng của Nhật Bản (như Đại học Công nghệ Tokyo TIT), Hồng Kông và Đài Loan.

Có những trường đại học Hàn Quốc tụt từ 200 đến 300 bậc theo phương pháp xếp hạng mới. Tuy nhiên, URFK nói rằng mối quan tâm chính của họ là quy mô tụt hạng của các trường đại học Hàn Quốc nói chung, chứ không chỉ là mức độ tụt hạng của trường đại học cụ thể nào.

“Quy mô này lớn không thể tưởng tượng được,” URFK cho biết trong một email, ngay sau khi QS WUR 2024 được công bố vào ngày 27/6.

“Khả năng cạnh tranh của các trường đại học Hàn Quốc đang tăng lên vững vàng về nhiều mặt. Vì vậy, không có lý do gì mà thứ hạng của các trường đại học Hàn Quốc lại giảm mạnh như vậy,” URFK nói.

URFK mô tả bảng xếp hạng mới nhất của QS mắc “lỗi toán học”, cần được hiệu chỉnh và cho biết họ đã yêu cầu QS “hiệu chỉnh” trước khi công bố. Những điều này đã không xảy ra. Giờ đây họ tuyên bố sẽ vĩnh viễn rút khỏi xếp hạng đại học thế giới của QS, không cung cấp dữ liệu của mình cho tổ chức này nữa, trừ khi phương pháp xếp hạng trở nên minh bạch hơn và các sai sót được “hiệu chỉnh”.

Trong bảng xếp hạng mới nhất, chỉ có Đại học Sejong tăng 150 bậc, lên thứ 436 toàn cầu, nhưng vẫn tham gia kêu gọi tẩy chay. Đại học Sejong cho rằng họ có thể còn đạt điểm cao hơn với phương pháp cũ.

Đáp lại hành động của các trường đại học Hàn Quốc, Ben Sowter, Phó chủ tịch QS, cho biết tổ chức này đã kiểm tra lại dữ liệu, tính toán lại các chỉ số và đảm bảo rằng không có lỗi nào do tính toán trong phương pháp của họ.

Ông chỉ ra, các tiêu chí có trọng số cao liên quan đến năng lực nghiên cứu chiếm tới 50% tổng số điểm, do đó không thiếu “điểm nhấn” để ghi nhận thành tích của các trường.

Sự đồng lòng khác thường

Không có gì lạ khi các trường đại học riêng lẻ cố gắng biện minh cho việc tụt hạng trong các bảng xếp hạng đại học toàn cầu. Mọi thay đổi về thứ hạng đều vấp phải sự khiếu nại, phản đối, và thậm chí là 'tẩy chay' của một nhóm nhỏ các trường đại học, chẳng hạn Các Viện Công nghệ Ấn Độ (Institutes of Technology) và một số trường đại học Trung Quốc đã từ chối cung cấp thông tin cho xếp hạng đại học thế giới của Times Higher Education (THE) trong khi chờ xếp hạng này điều chỉnh.

Tuy nhiên, một cuộc tẩy chay có sự phối hợp của các trường trên toàn quốc thì chưa từng có tiền lệ.

Seungbum Hong - trưởng Khoa Khoa học và Kỹ thuật vật liệu tại KAIST, và là cố vấn về cạnh tranh toàn cầu của tổ chức này - cho rằng việc hơn 50 trường đại học Hàn Quốc đồng lòng như vậy là điều hết sức khác thường, bất kể trong tình huống nào.

Hong cho biết, trước khi xếp hạng năm nay được công bố, URFK đã yêu cầu QS giải thích cách tính toán các tiêu chí mới, đồng thời giải thích cụ thể lý do vì sao các trường đại học khoa học và công nghệ châu Á lại bị ảnh hưởng mạnh như vậy.

Tiêu chí mới Mạng lưới nghiên cứu quốc tế (IRN) hiện chiếm 5% tổng số điểm, trong khi tiêu chí Tỷ lệ giảng viên/sinh viên giảm 10%. Điều này ảnh hưởng đến các quốc gia/vùng lãnh thổ có tỷ lệ giảng viên/sinh viên cao do suy giảm nhân khẩu học - như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.

“Không chỉ các trường đại học Hàn Quốc mà các trường đại học theo định hướng khoa học và công nghệ khác trên thế giới cũng có mức giảm tương tự. Vì vậy, chúng tôi đã lên tiếng để nói rằng tiêu chí IRN không công bằng trong đánh giá mức độ gắn kết toàn cầu, vốn là triết lý đằng sau tiêu chí này,” Hong nói.

URFK cũng lập luận rằng một tiêu chí mới khác có tên Bền vững cũng được tính toán một cách “tùy tiện” mà không cung cấp đầy đủ định nghĩa, không bảo đảm tính nhất quán của điểm số.

Những câu hỏi xung quanh tiêu chí Mạng lưới nghiên cứu quốc tế

Theo URFK, công thức tính toán tiêu chí IRN đòi hỏi các trường đại học tăng số quốc gia liên kết, hợp tác – điều này cực kỳ bất lợi đối với những trường đại học chỉ liên kết với các đối tác ở một quốc gia cụ thể.

Hong chỉ ra, thật phi lý khi theo tiêu chí IRN, cộng tác dù với nhiều tổ chức ở một quốc gia duy nhất - chẳng hạn Mỹ, như trong trường hợp của các trường đại học Hàn Quốc - thì vẫn bị coi là không gắn kết toàn cầu.

“Đại học Sogang [thứ 509 toàn cầu] đạt khoảng 1 điểm ở tiêu chí IRN. Vì vậy, chúng tôi muốn biết trường nào đạt điểm cao nhất để học hỏi từ họ, nhưng QS không cho chúng tôi biết. Hầu hết các trường đại học Hàn Quốc đều đạt khoảng 1 điểm [trên thang điểm 100], chỉ có Đại học Quốc gia Seoul [thứ 41 toàn cầu] đạt khoảng 30 điểm,” theo Kilsun Kim, đại diện của Đại học Sogang.

Kim lưu ý rằng họ có thể tìm cách xuất bản nhiều bài báo có đồng tác giả đến từ nhiều nước khác nhau để đạt điểm cao hơn, “nhưng đó không phải là cách để tiến hành hợp tác nghiên cứu quốc tế”.

GS Jongkyu Kim, Khoa Khoa học và kỹ thuật vật liệu tại POSTECH (thứ 100 toàn cầu), nói rằng trường của ông là một cơ sở nhỏ chuyên về khoa học và công nghệ. “Những trường như trường của chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề bởi tiêu chí IRN vì số lượng quốc gia [hợp tác] rất quan trọng trong tiêu chí này. Các trường đại học định hướng khoa học và công nghệ có rất ít lựa chọn hợp tác, đặc biệt là hợp tác quốc tế. Khó có thể xây dựng những mối quan hệ hợp tác nghiên cứu có ý nghĩa với các cơ sở ở các nước kém phát triển về khoa học hoặc công nghệ. Đó là lý do tại sao POSTECH và UNIST [Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Ulsan, thứ 266 toàn cầu] chỉ đạt 1,3 và 1,2 điểm ở tiêu chí IRN.”

KAIST (thứ 56 toàn cầu), dù có cơ sở chi nhánh ở châu Phi và các hợp tác toàn cầu lớn khác, cũng chỉ được 10 điểm ở tiêu chí này.

Trong khi đó, Sowter lưu ý rằng phần lớn quan hệ hợp tác quốc tế của các trường đại học Hàn Quốc “cơ bản thiên về” quan hệ đối tác với các cơ sở ở Mỹ, và thứ mà QS cố gắng đo lường qua tiêu chí IRN không phải là quy mô mạng lưới nghiên cứu của các trường, mà là số lượng các quốc gia mà họ hợp tác.

Sowter nói thêm, tiêu chí này được thiết kế để khuyến khích các trường đa dạng hóa các quan hệ hợp tác quốc tế của họ thay vì chỉ đơn giản là phát triển tiếp những mối quan hệ có sẵn. Tiêu chí này sẽ giúp nhận diện các cơ sở đã nỗ lực ra sao để đa dạng hóa các quan hệ hợp tác quốc tế, kể cả đó là những cơ sở chưa công bố được nhiều nghiên cứu hay chỉ có một số lượng nhỏ các đối tác nước ngoài.

Rồi sẽ ra sao?

QS cho biết họ không muốn các trường đại học rời khỏi xếp hạng, nhưng nếu các trường đại học Hàn Quốc làm như vậy, họ sẽ dùng cách khác để lấy dữ liệu. Theo Sowter, phương pháp của QS dựa rất ít vào dữ liệu tự báo cáo và họ có các nguồn dữ liệu toàn cầu - hoặc trong một số trường hợp là quốc gia - về số lượng sinh viên, số lượng giảng viên và nhiều thông tin khác mà họ cần.

“Chúng tôi muốn hợp tác chặt chẽ với các cơ sở giáo dục đại học để thu thập dữ liệu, nhưng chúng tôi luôn có cách tìm những dữ liệu cần thiết để xuất bản một bảng xếp hạng hoàn chỉnh.”

Điều này dường như đã khiến URFK tức giận hơn nữa.

Chủ tịch diễn đàn URFK Euiho Suh - Giáo sư danh dự tại khoa Kỹ thuật công nghiệp-POSTECH cho biết khi các trường đại học Hàn Quốc không muốn tham gia xếp hạng mà QS vẫn cứ làm thì đó thật sự là một vấn đề nghiêm trọng. Ông cảnh báo, một số trường đại học muốn kiện nếu điều đó xảy ra. “Chúng tôi không chấp nhận, vì dữ liệu từ các nguồn khác có thể không chính xác,” ông lưu ý.

Nguồn: