Bộ Năng lượng nguyên tử Ấn Độ (DAE) và Bộ KH&CN Ấn Độ mới đây đã triệu tập 70 nhà khoa học để bàn bạc về 10 siêu dự án khoa học đa quốc gia mà quốc gia này sẽ tham gia.

Những tham vọng lớn

Suốt thập kỷ qua, chính phủ quốc gia này ngày càng đặt cược vào những siêu dự án đa quốc gia. Họ muốn có một chỗ ngồi ở “chiếu trên” của khoa học toàn cầu. mặc dù chính quyền của ông Narendra Modi đã nhận được những ồn ào không cần thiết về vụ ghép đầu của Ganesha và Pushpak Viman nhưng trên thực tế, họ cũng có một số bước tiến quan trọng trong việc đưa Ấn Độ lên bản đồ thế giới.

Năm 2017, Ấn Độ đồng ý xây dựng một đài quan sát Sóng hấp dẫn bằng giao thoa kế (LIGO) tại Ấn Độ và tham gia vào dự án LIGO toàn cầu. Trước đó năm 2016, Ấn Độ trở thành thành viên liên kết của dự án CERN – phòng thí nghiệm về vật lý hạt và vật lý hạt nhân lớn nhất thế giới đặt tại Thụy Sĩ. Năm 2015, họ trở thành thành viên chính thức của SKA - dự án xây dựng kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới. Từ dự án nhiệt hạch ITER ở Pháp đến dự án FAIR (để nghiên cứu tiến hóa của vũ trụ), từ dự án hệ gene ung thư đến khám phá đại dương, họ đang gia tăng tầm quan trọng của mình khi xuất hiện trong những dự án khoa học đầy tham vọng của thế giới.

Tham vọng khoa học của Ấn Độ được tiếp sức bởi hai xu hướng – một từ bên ngoài và một từ thôi thúc của chính họ. Các siêu dự án khoa học ngày nay nhằm mở rộng biên giới của khoa học đã trở nên tốn kém, đòi hỏi sự đầu tư về nguồn nhân lực, kinh phí… - điều đó gây khó khăn cho bất cứ cường quốc khoa học nào.

Ví dụ dự án Global Virome mới được loan báo vào đầu năm nay phải quy tụ các nhà khoa học từ khắp thế giới để cùng hợp tác nghiên cứu về các virus gây chết người và dẫn đến sự bùng phát của các đại dịch như Ebola, SARS và Zik. Việc thiết lập các siêu dự án với sự tham gia của nhiều quốc gia và tổ chức nghiên cứu sẽ hạn chế được rủi ro và những kết quả không xác định cho bất cứ quốc gia đơn lẻ nào.

Xu hướng thứ hai là sự chuyển hướng của những tham vọng từ Ấn Độ. Nền kinh tế Ấn Độ trị giá 2,6 nghìn tỷ USD giờ đây đứng ở hạng 6 thế giới đang mơ ước vươn đến những vì sao, bất kể một số vấn đề còn tồn tại như đói nghèo, suy dinh dưỡng và một số vấn đề xã hội khác. Họ muốn đưa con người lên các chuyến bay vào không gian và nghiên cứu vũ trụ và thúc đẩy sáng tạo, trong khi một số dự án không gian chỉ cho phép sử dụng miễn phí các vệ tinh truyền thông với các quốc gia thuộc khối SAARC. “Nhiều thách thức lớn (những dự án khoa học lớn) mang đến cả danh tiếng và sự thịnh vượng cho quốc gia. Với một quốc gia, cả hai yếu tố này đều rất quan trọng”, Mashelkar nhấn mạnh.

Phần đóng góp của Ấn Độ chiếm 3,5% trong số 2 tỷ USD của dự án FAIR. Nguồn: indiatimes

Sự tụt hậu của các viện nghiên cứu

Các giấc mơ siêu dự án của Ấn Độ vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản. Các dự án khoa học thường đòi hỏi tư duy dài hạn với ít kết quả phía trước trong khi các viện nghiên cứu Ấn Độ và các nhà nghiên cứu của nó vẫn có độ trễ so với những viện nghiên cứu hàng đầu thế giới như MIT và Caltech về năng lực. Sự thiếu hụt của tư duy phản biện và một nền văn hóa nhiều giai tầng là vấn đề chính.

“Các giấc mơ ngày một lớn hơn nhưng con người và cơ chế vận hành các viện nghiên cứu vẫn còn nhiều cái cũ”, một nhà nghiên cứu ẩn danh cho biết. Nó giống như việc gắn các giấc mơ lớn ở quy mô toàn cầu ở thế kỷ 21 vào các viện nghiên cứu vẫn còn ở trong thế kỷ 20 và đã quen với tư duy nhỏ hẹp và bị các quan điểm quan liêu dẫn dắt.

Phần lớn các dự án như vậy ở các quốc gia phát triển như Mỹ đều được một đội ngũ quản lý riêng của dự án và do một CEO toàn tâm toàn ý thực hiện. Trong khi đó ở Ấn Độ, dự án được một ủy ban điều hành gồm những người được lựa chọn từ các viện nghiên cứu và các vị giám đốc sắp đến tuổi nghỉ hưu sẽ đảm trách các dự án có thời hạn 10 đến 15 năm.

Phần lớn các siêu dự án do DAE và ISRO (Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ) quản lý hoặc cấp vốn còn gặp phải các rào cản ngoại giao và visa. Nhãn hiệu năng lượng nguyên tử trên các dự án này đã làm gia tăng những vấn đề về mặt an ninh cho các thành viên của dự án khi di chuyển trong và ngoài nước. Các nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân lớn nhất của khó khăn mà dự án đài quan sát neutrino (INO) ở Tamil Nadu gặp phải là do DAE phụ trách chứ nó không liên quan gì đến năng lượng hạt nhân. Tại Mỹ, kinh phí được cấp thông qua Quỹ khoa học quốc gia NSF.

Hiệu ứng đa chiều

Với một quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, các siêu dự án này giúp nhiều cho các nhà khoa học, các viện nghiên cứu và toàn bộ nền sinh thái vươn tới một quỹ đạo cao hơn. Hãy nhìn vào dự án Kính viễn vọng sóng vô tuyến GMRT, nó đã giúp các nhà khoa học Ấn Độ khám phá ra các ngôi sao pulsar mới và xuất bản 40 bài báo trên các tạp chí danh tiếng.

“Nó làm tăng chất lượng khoa học trong công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Ấn Độ”, Gupta của Viện nghiên cứu khoa học cơ bản Tata (TIFR) cho biết. Làm việc với các đồng nghiệp xuất sắc nhất thế giới trong các dự án tiên tiến đem lại cơ hội thúc đẩy các nhà khoa học Ấn Độ bước vào mạng lưới toàn cầu. Nó giúp nâng cấp các phòng thí nghiệm, đem họ đến với những công nghệ mới và trao cơ hội truy cập vào các bộ dữ liệu có giá trị.

Các công ty spinoff về công nghệ và thương mại là điều dễ nhận thấy từ hiệu quả của các dự án này. “Các dự án nghiên cứu không chỉ tốt cho các thành viên mà còn mang lại lợi nhuận và sinh lời”, Anand Deshpande chủ tịch Persistent Systems – một công ty về dịch vụ IT của Ấn Độ, đã tham gia nhiều dự án về thiên văn nhận xét. Một khoản kinh phí lớn – trong trường hợp dự án SKA, lên tới 70% sẽ được giải ngân ở Ấn Độ.

Bên cạnh những bằng sáng chế mới, các dự án như vậy sẽ đem lại cơ hội tập huấn và cả cơ hội thể hiện mình của các nhà khoa học. “Khoa học thường xuyên là một cuộc cạnh tranh của các bộ óc muốn chinh phục các vùng đất mới”, Anurag Agrawal – giám đốc Viện nghiên cứu Sinh học hệ thống và hệ gene quốc gia, nhận xét.

Các siêu dự án nghiên cứu Ấn Độ tham gia:

1. LIGO: 1.200 nhà khoa học trên toàn thế giới tham gia, Ấn Độ có 91 người, trong đó 40 là đồng tác giả của công trình gồm 1.000 người, giúp đem lại giải Nobel Vật lý 2017.Ấn Độ đóng góp triệu USD trong tổng kinh phí 950 triệu USD;

2. SKA: 12 quốc gia tham gia. Nhiều nhà khoa học nhiều công ty Ấn Độ đã tham gia thiết kế hệ quản lý – bộ não và trung tâm thân kinh của đài quan sát này. Ngoài ra, Ấn Độ đóng góp 6 đến 10% trong tổng số 700 triệu bảng Anh;

3. ITER: gồm 7 quốc gia tham gia, kinh phí từ chỗ dự kiến 5 tỷ USD đến 40 tỷ USD và dự kiến kết thúc vào năm 2030. Ấn Độ đóng góp 9,1%; 4. Kính thiên văn TMT 30m, Ấn Độ đóng góp 213 triệu USD vào tổng kinh phí 1,47 tỷ USD. Nhiều công ty Ấn Độ, bao gồm General Optics, Avasarala Technologies và Godrej tham gia;

5. FAIR: Phần đóng góp của Ấn Độ chiếm 3,5% trong số 2 tỷ USD.