Tuổi đời non trẻ không phải là rào cản ngăn một trường đại học trở thành đại học xuất sắc, ngay cả khi những trường lâu đời vẫn thường đứng đầu các bảng xếp hạng.


Đại học Pécs, Hungary thành lập năm 1367 chỉ xếp trong nhóm hạng 601-800. Ảnh: ĐH Pécs.

Khi nói đến các trường đại học, sinh viên và các nhà khoa học có xu hướng nghĩ rằng một tổ chức càng lâu năm thì nó càng có chất lượng tốt. Một bài phân tích 800 đại học trong Bảng xếp hạng các Đại học trên Thế giới của Times Higher Education (THE) 2015-2016 cho thấy điều này là đúng - nhưng chỉ ở một mức nhất định. Đúng là các trường lâu đời thường có thứ hạng cao hơn các trường trẻ tuổi, nhưng chỉ có một mối tương quan lỏng lẻo giữa tuổi của trường đại học với số lần họ được trích dẫn trên các công bố khoa học và năng lực giảng dạy và nghiên cứu. Ngoài ra, hầu như chẳng có mối quan hệ nào giữa tuổi đời của một trường và hai trụ cột chính khác trong bảng xếp hạng: liên kết với khối công nghiệp và quan hệ quốc tế.

Không phải cứ lâu đời nhất là được xếp hạng cao nhất

Hơn nữa, không phải cứ đại học lâu đời nhất là được xếp hạng cao nhất. Trong 26 đại học hơn 600 năm tuổi trong bảng xếp hạng có các trường xuất sắc như đại học Oxford (thành lập năm 1096; thứ hai trong bảng xếp hạng) và Cambridge (thành lập năm 1209; thứ tư), nhưng cũng có một số đại học chỉ ở tầm trung như Đại học Pécs của Hungary (thành lập năm 1367; trong nhóm hạng 601-800).

Chính xác hơn, chỉ có 20 trường đại học 500 – 600 tuổi nằm ở top 100 các trường xuất sắc nhất. Đây là khối đại học quyền lực của châu Âu, như LMU Munich ở Đức (1472, thứ 29), KU Leuven ở Bỉ (1425, thứ 35) và Đại học Copenhagen ở Đan Mạch (1479, thứ 82).

Thế kỷ 17 đánh dấu sự hình thành của một số trường đại học tốt (dựa trên tiêu chí số lượng trích dẫn). Đó là 13 trường trong top 100 bao gồm Amsterdam (1632, thứ 58), Utrecht (1636, thứ 62), Helsinki (1640, thứ 67), Lund (1666, thứ 90). Nhưng quan trọng hơn, đây cũng là thời điểm mà các đại học Mỹ ra đời: đáng chú ý là Harvard (1636, thứ 6) và Yale (thứ 13). Hai trường này đã kéo chỉ số trung bình của các trường ra đời vào thế kỉ 17 vượt lên.

Thế kỉ 19 là thời điểm diễn ra sự bùng nổ của các trường đại học. Trong top 800 trường, có tới 278 trường thành lập trong các năm 1817 đến 1916, gấp 7 lần so với số trường đại học thành lập ở thời kì trước đó 100 năm (42). Theo giáo sư mời Micheal Shattock ở Viện giáo dục Đại học UCL, nỗi lo về phát triển kinh tế là lý do chính. Chẳng hạn, người Anh trở về từ cuộc đại triển lãm ở Paris (tổ chức trong các năm 1855 – 1900) nói rằng: “Chúng ta không thể đuổi kịp họ về công nghệ nếu không bắt đầu đầu tư vào giáo dục và nền tảng công nghiệp.”

Kỷ nguyên này là thời điểm thịnh vượng của giáo dục đại học cả về chất lượng lẫn số lượng. Mặc dù 278 trường ra đời trong giai đoạn này có điểm trung bình (trong bảng xếp hạng của THE) thấp hơn những trường thành lập vào thế kỷ 15, 17, 18 nhưng họ vượt rất xa những trường ra đời sau này. Rất nhiều trường là các đại học tiểu bang của Mỹ, được biết đến như “đại học được tài trợ đất” vì họ được cấp những mảnh đất rộng lớn nhờ Đạo luật Morrill 1862, được thực thi không lâu sau khi Nội chiến Mỹ kết thúc, Shattock giải thích. Di sản này đã đảm bảo tài chính vững chắc và tự chủ cho những trường này – đặc biệt là Đại học Texas với khuôn viên gần một triệu hecta đất nông nghiệp khô cằn nhưng hóa ra dưới đó là mỏ dầu và khí ga khổng lồ gần đây đem lại doanh thu tới một tỉ USD mỗi năm.


Thiếu một lịch sử dài còn có thể trở thành lợi thế vì nó cho phép các trường tự sáng tạo, hình thành bản sắc theo cách họ muốn hơn là phải phục tùng một truyền thống có tuổi hàng thế kỉ.
“Mọi người thường nghĩ đến Princeton và Harvard khi họ nghĩ về giáo dục đại học ở Hoa Kỳ”, Roger Brown, giáo sư danh dự về chính sách giáo dục đại học tại Đại học Liverpool Hope cho biết. Nhưng chính hệ thống trường đại học tiểu bang, đặc biệt là những trường ngoài khu Đông Bắc (nơi tập trung khối trường Ivy League nổi tiếng) mới thực sự là điều đáng nói ở quốc gia này. Sự hình thành và hỗ trợ thành công các trường đại học tiểu bang mới là “chiến thắng đích thực của nền giáo dục đại học Hoa Kỳ”, ông nói, và là bài học cho nhiều chính phủ muốn thiết lập các trường đại học nghiên cứu đẳng cấp thế giới. Các trường đại học của Hoa Kỳ là kết quả của “hành động của chính phủ và hỗ trợ liên tục - nhà nước sau đó lùi về sau trong việc điều hành”.

Một yếu tố quan trọng thúc đẩy hình thành các trường đại học cuối thế kỷ 19 tại Mỹ là sự bùng nổ trẻ em sau chiến tranh, dẫn đến tăng mạnh về số lượng sinh viên. Cải cách giáo dục cũng giữ sinh viên ở trường lâu hơn. Lượng sinh viên mở rộng này là yếu tố quan trọng nhất khi xét những giai đoạn hình thành các trường đại học xuất sắc, theo Tyler Cowen, giáo sư kinh tế Đại học George Mason, Virginia, Mỹ. Đây là nguyên nhân cho sự thành công của phần lớn các trường đại học Bờ Tây Hoa Kỳ trong thế kỷ 20 như Đại học Stanford (thành lập năm 1891 và xếp thứ 3), Viện Công nghệ California (1891; hạng nhất).

Singapore là một ví dụ tốt khác về sự tăng trưởng số lượng sinh viên, đầu tư lớn của nhà nước và sự cam kết theo đuổi tự do học thuật có thể đem lại những kết quả kinh ngạc, Cowen nói thêm, ông cũng đang làm cố vấn cho Chính phủ Singapore.

Trẻ nhưng vẫn xuất sắc

Quả thật, Singapore là quốc gia đặc biệt tỏa sáng trong bảng xếp hạng. Thực tế rằng Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Đại học Kỹ thuật Nanyang đều xếp hạng rất cao (26 và 55) giúp quốc gia này đứng số một về điểm trung bình trên các tiêu chí về đào tạo, nghiên cứu và quan hệ quốc tế, đứng thứ hai về trích dẫn và liên kết với khối công nghiệp mặc dù NUS và Nanyang đều được thành lập gần đây (năm 1905 và 1991). Tuổi đời của các trường tại Singapore trung bình là 68, thấp hơn một nửa tuổi trung bình của các trường đại học Mỹ (144 năm) và nếu so với những trường ở các nước châu Âu như Đức (187 năm), Thụy Sĩ (180 năm) thì còn trẻ hơn nữa.


Đại học Nanyang tuổi đời non trẻ nhưng xuất sắc. Ảnh: Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham quan đại học Nanyang để thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa trường này và các đại học ở Ấn Độ. Nguồn: NTU.

Một vài lãnh đạo đại học có ý cho rằng, thiếu một lịch sử dài, thực ra, còn có thể trở thành lợi thế vì nó cho phép các trường này tự hình thành bản sắc theo cách họ muốn hơn là phải phục tùng một truyền thống có tuổi hàng thế kỉ. Quan điểm này được Lisa Anderson, người vừa từ chức chủ tịch Đại học Mỹ ở Cairo, đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh các trường đại học Trung Đông và Bắc Phi tổ chức ở các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất vào tháng Hai vừa qua. Những trường thuộc các đại học lâu đời phải chịu nhiều thách thức hơn là lợi thế, nếu xét đến các chi phí bảo trì những di sản cũ, trong khi nền tảng của những trường đại học mới là công nghệ hiện đại và phương pháp giảng dạy.

Renee Hindmarsh, giám đốc điều hành Mạng lưới các trường đại học công nghệ Úc (ATN), đại diện cho năm trường đào tạo chuyên ngành công nghệ, hầu hết thành lập trong những năm 1980, cho rằng những trường đại học mới ở Úc đều có những cách làm khác so với những trường lâu đời, đưa ra những hình thức mới trong giảng dạy và nghiên cứu để tạo ra những sinh viên sẵn sàng lao vào thực tế hơn. “Những trường này có xu hướng tinh gọn và linh hoạt hơn” – bà nói. “Những đại học trong mạng lưới ATN đều liên kết rất chặt chẽ với khối doanh nghiệp. Họ được sáng lập trên nền tảng phải làm thế nào để đưa những ý tưởng vào thị trường hoặc trở thành giải pháp hữu ích. Những trường đại học lâu đời hơn đang chạy theo xu hướng đó, nhưng những trường trẻ hơn đã trải nghiệm điều đó từ lâu rồi”.

Tuy nhiên, “lịch sử cũng đầy những ví dụ về những trường đại học đầy sáng tạo muốn làm gì đó mới mẻ trong giai đoạn đầu thành lập, nhưng sau đó lại quay về con đường truyền thống khi tìm cách gia nhập CLB các trường top đầu trên bảng xếp hạng”, Brown nói.

Cố gắng đạt được thứ hạng cao dựa trên việc sao chép một cách cứng nhắc mô hình đã có sẵn không chỉ tốn kém một nguồn lực tài chính to lớn mà còn phớt lờ những đổi mới sáng tạo mà các trưởng nhóm nghiên cứu nước ngoài có thể đem đến cho những cơ sở giáo dục mới nổi, Stephen Smith, nguyên phó giám đốc nghiên cứu tại Nanyang từ năm 2011 đến 2013. “Những cơ sở đại học vĩ đại nhất là những nơi tạo ra những ý tưởng mới”, Smith, người chứng kiến bước nhảy ngoạn mục 119 bậc của Singapore trên bảng xếp hạng kể từ năm 2011, và cũng nắm giữ vị trí cấp cao tại Đại học Cambridge và Đại học Hoàng gia London cho biết. Nhưng “bạn cần phải biết cách tập hợp mọi người lại theo cách nào đó để họ nảy sinh ý tưởng” – ông nói thêm. Smith tin rằng, có được những học giả hàng đầu Mỹ và châu Âu, những người có khả năng thách thức những lý thuyết và quy trình đang được chấp nhận là một phần thành công của Nanyang.

Sự nổi lên của một cơ sở mới mẻ như Nanyang chỉ ra rõ ràng rằng, những nhà lãnh đạo phải bước ra vùng an toàn của mình, bất kể là tuổi đời trường đại học của mình là bao nhiêu.

Lịch sử chông gai của các trường đại học

Đại học al-Qara ở Morocco, thành lập năm 859, thường được coi là cơ sở đào tạo lâu đời nhất và có uy tín vẫn còn hoạt động trên thế giới. Và Đại học Taxila hoặc Đại học Nalanda ở Ấn Độ, thành lập vài trăm năm sau Công nguyên, thường được trích dẫn là những đại học ra đời đầu tiên trên thế giới.

Nhưng những cơ sở đào tạo khớp với định nghĩa của một trường đại học là Đại học Bologna (Ý), Đại học Paris (Pháp) và Đại học Oxford (Anh), được thành lập vào khoảng năm 1100 để dạy hùng biện, triết học, thần học, luật học và y học. Điều khiến cho các trường này khác với những cơ sở đào tạo tương tự chính là địa vị của họ: thay vì chỉ là một tập hợp những giảng viên tự do, những nơi này được công nhận bởi giáo hội và nhà nước là những tổ chức độc lập. Vì vậy, họ là những thiết chế tự chủ và có đặc quyền, được đòi hỏi và đảm bảo lợi ích trước tòa án, được điều hành các thành viên và được trao bằng cấp.

Mô hình trường kiểu mới này trở nên hấp dẫn. Vào năm 1400, những trường được công nhận là đại học tăng lên hơn 30 trường. 2,5 thế kỷ sau, con số này tăng lên 150. Phần lớn động lực cho sự mở rộng này đến từ nhu cầu cần những luật sư và nhà quản lý được đào tạo bài bản khi nhà nước phong kiến phi tập trung suy tàn và nhường chỗ cho thể chế mới. Từ năm 1560, sự mở rộng này còn được thúc đẩy bởi cuộc cải cách: Những phán quyết của tòa án quá xung khắc nhau đặt ra yêu cầu cần phải có một bộ máy thực thi luật pháp có tri thức. Vào những năm 1750, ngay cả một tỉnh nhỏ nhất cũng có ít nhất một trường đại học: Pháp có 25 trường. (Chỉ có Anh, là một nước nhỏ, vẫn chỉ có 2 trường).

Giữa năm 1800 đến 1945, bản đồ các trường đại học ở châu Âu gần như không thay đổi, mặc dù dân số tăng lên gấp ba và sự thịnh vượng đến từ cuộc cách mạng công nghiệp. Trong thời kì Napoleon, một vài trường Đại học Ý và Tây Ban Nha còn bị đóng cửa, trong khi ở Pháp, những trường đại học được thay thế bởi hệ thống các trường chuyên ngành, đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của nhà nước. Chỉ có ở Nga và các đảo của Anh là có số lượng trường đại học tăng lên trước Thế chiến thứ 2. Sự thụt lùi này đến từ hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, rất ít trường đại học ở thế kỉ 18 có nhiều hơn 1000 sinh viên, đa số chỉ có khoảng 100 người nên không gặp khó khăn gì khi nhận thêm sinh viên thời kì sau những năm 1800. Thứ hai, các trường vẫn tiếp tục dạy chương trình truyền thống và đào tạo con người cho những ngành nghề cũ và cho giảng dạy phổ thông: ngoài Liên bang Xô viết, các trường đóng vai trò rất nhỏ trong việc đào tạo giới tinh hoa mới ở những lĩnh vực công nghiệp, thương mại, quản lý và công nghệ. Vào năm 1940, chỉ có 1-2% người lứa tuổi 18 ở Tây Âu học đại học. Nếu giới tinh hoa mới muốn tìm kiếm sự đào tạo bài bản, họ có trường riêng, chính là hệ thống trường polytechnics của Đức và grandes écoles của Pháp.

Nhưng ngoài châu Âu, rất nhiều trường đại học được thành lập trong khoảng 100 năm trước năm 1945, đặc biệt là ở các nước thuộc địa Anh, Ấn Độ, Nhật Bản và Bắc Mỹ. Ở đó vốn có những trường đại học và cao đẳng dạy bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh Mỹ trước khi họ giành được độc lập, nhưng sau Nội chiến Mỹ, số trường đại học ở Mỹ bùng nổ nhờ vào hệ thống đại học tiểu bang. Những trường này rất khác các đại học được thành lập dưới ảnh hưởng của châu Âu, vì họ đào tạo cả những ngành ứng dụng cũng như những ngành lý thuyết và khuyến khích mối quan tâm rộng lớn về xã hội.

Sau năm 1945, mô hình của Mỹ được những nước đang và đã phát triển sao chép, và sự tách biệt truyền thống giữa đại học và các trường kỹ thuật – thương mại dần xóa nhòa. Các chính phủ buộc thừa nhận nhu cầu phải tăng số lượng sinh viên vì lí do kinh tế và xã hội, và cũng vui lòng khi các trường mở rộng chương trình: những quốc gia thành công luôn cần nguồn nhân lực có tri thức. Họ cũng chấp nhận việc các trường nên thực hành cả nghiên cứu lẫn giảng dạy, đây thực chất là quan điểm của người Đức được Mỹ học hỏi nhưng cho đến nay hầu hết các đại học châu Âu lại tiếp thu rất hạn chế.

Các trường đại học mọc lên như nấm vì ý chí của các quốc gia sẵn lòng tài trợ việc mở rộng quy mô, đặc biệt là trong ngành khoa học và kỹ thuật. Sự ra đời của công nghệ mới vào những năm 1990 càng nhấn mạnh ý chí đó. Đến năm 2000, tỉ lệ thanh niên 18 tuổi học Đại học ở Tây Âu đã tăng tới 40-50%. Năm 1940 có 18 đại học ở Anh nhưng giờ đây con số này là 165. Trên thế giới, con số này là 17,000 với 153 triệu sinh viên.

Vết xe đổ của Đại học Nazarbayev

Ngày càng nhiều quốc gia muốn tạo ra ít nhất một hoặc hai trường đại học được xếp hạng cao toàn cầu. Kazakstan là một nước gần đây tham gia cuộc đua này. Đại học Nazarbayev là một cơ sở đào tạo bằng tiếng Anh thành lập năm 2010 trên một khuôn viên mới toanh, thiết kế kiểu Nhật tại thủ đô cũng rất mới của quốc gia này, Astana. Theo website, nó “nhắm tới việc trở thành trường đại học nghiên cứu đẳng cấp thế giới đầu tiên ở Kazakhstan”. Danh sách những trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới cố vấn cho đại học này bao gồm College London, Đại học Cambridge và Carnegie Mellon.

Không như những trường được nhà nước tài trợ, Nazarbayev không đặt dưới sự quản lý của Bộ Giáo dục và Khoa học - một sự tách biệt mang tính biểu tượng của một quốc gia vừa thoát khỏi lịch sử Xô viết. Tuy nhiên, ngoại trừ hiệu trưởng nhà trường là nhà kinh tế học Nhật Bản Shigeo Katsu, Hội đồng trường toàn là những chính trị gia và chủ tịch hội đồng này cũng là Tổng thống Nursultan Nazarbayev, mà tên của trường được đặt theo họ của ông.

Mặc dù có một chiến dịch tuyển người rầm rộ trên toàn cầu, với một loạt video quảng bá trên Youtube, hầu hết những người tuyển vào chỉ nắm giữ chức vụ thấp ở các khoa, và cũng chỉ là các khoa điều hành bởi những người trong nước có lý lịch khoa học rất thấp. Khoa Y hứa hẹn một chương trình kiểu Mỹ nhưng vô cùng ít người trong khoa này có bằng Y khoa Mỹ. Với tình trạng đồng tiền của Kazakhstan ngày càng mất giá sẽ chỉ càng khó hơn cho trường nếu muốn chiêu mộ các giảng viên quốc tế với mức lương cạnh tranh. Trên mạng xã hội, có thể bạn đã đọc những chỉ trích về sự cắt giảm lương, tiền lương thấp hơn so với những hứa hẹn ban đầu và những vi phạm hợp đồng khác.

Ngoài ra còn có những phàn nàn về sự hẻo lánh của địa điểm trường và nỗi lo về giới hạn của tự do ngôn luận tại đây. Tổng thống Nazarbayev không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải nhúng tay vào và xem xét kĩ “đứa con trí tuệ” của ông. Cho đến khi Đại học Nazarbayev có được dấu ấn quốc tế thông qua những công bố khoa học hơn là quảng cáo, thì nó chẳng có cơ hội nào tạo ra ảnh hưởng.