Ngày 22/9, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân đã dành cho
Báo Khoa học và Phát triển cuộc trao đổi xung quanh sự kiện Việt Nam vừa tăng 19 bậc trong Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2015 (GII), về trình độ phát triển khoa học công nghệ của đất nước và những thách thức trong đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ của Việt Nam.
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đổi mới, sáng tạo
- Thưa Bộ trưởng, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) vừa công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2015. Theo đó, Việt Nam tăng 19 bậc trên Bảng xếp hạng GII, đứng thứ 52 (so với vị trí 71 năm 2014 và 76 năm 2013) trên tổng số 141 nền kinh tế. Báo cáo cũng nêu con số hiệu quả đổi mới sáng tạo Việt Nam đứng thứ 9 thế giới (năm 2014 chúng ta đứng thứ 5 thế giới, năm 2013 thứ 17 và năm 2012 thứ 27). Như vậy, năm 2015, dù hiệu quả đổi mới sáng tạo chúng ta giảm 4 bậc, nhưng ở chỉ số xếp hạng chung quan trọng nhất thì chúng ta đã tăng bậc ngoạn mục. Xin Bộ trưởng cho biết con số này có ý nghĩa như thế nào đối với sự sáng tạo cũng như phát triển sáng chế, ứng dụng, đổi mới công nghệ ở Việt Nam?
Bộ trưởng Nguyễn Quân:
- Có thể nói chỉ số này có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi đây là đánh giá hết sức khách quan của WIPO kết hợp với Đại học Cornell (Hoa Kỳ) và Học viện Kinh doanh INSEAD (Pháp).
Để đưa ra được đánh giá các tổ chức này đã dựa trên số liệu của 79 tiêu chí được thống kê từ các quốc gia. Cho nên có thể nói xếp hạng này đánh giá thực chất sự đổi mới sáng tạo của các nền kinh tế. Nhiều người cũng cho rằng chỉ số này thể hiện trình độ phát triển công nghệ của một quốc gia vì các tiêu chí cũng thể hiện tương đối tổng hợp.
Trong số 79 tiêu chí này có nhiều tiêu chí liên quan đến đầu vào, đầu ra của khoa học và công nghệ, từ thể chế, nhân lực, hạ tầng cho tới đầu tư rồi các sản phẩm khoa học được công bố cũng như kết quả khoa học được ứng dụng. Như vậy thông qua chỉ số xếp hạng của WIPO thì có thể thấy năm vừa rồi Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực để cải thiện thứ hạng của mình.
Rất nhiều năm trước đây chúng ta vẫn loay hoay ở trong thứ hạng trên 70 nhưng bắt đầu từ năm 2013 đã bắt đầu có chiều hướng tốt lên. Nếu như năm 2013 chúng ta xếp hạng thứ 76 thì năm 2014 tăng lên 71 và năm nay là 52.
Nếu chúng ta tiếp tục đổi mới trong khoa học công nghệ, kể cả đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, hệ thống quản lý, tiếp cận với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế… thì thứ hạng của chúng ta sẽ tiếp tục còn tăng lên.
Một điểm rất quan trọng nữa có thể thấy chỉ số đánh giá này đã ghi nhận sự nỗ lực của Việt Nam khi chúng ta bắt đầu có Luật KH&CN từ năm 2013. Trên thực tế, Luật này có hiệu lực từ đầu năm 2014 nhưng thực sự phải đến năm 2015 mới có thể đưa Luật vào cuộc sống vì toàn bộ năm 2014 chúng ta tập trung vào việc xây dựng các văn bản hướng dẫn.
Có thể thấy Luật có tác dụng rất lớn với 3 trụ cột là đổi mới phương thức đầu tư, cơ chế tài chính và đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực KH&CN bước đầu đã đem lại sức sáng tạo, sức sống mới cho KH&CN Việt Nam. Các nhà khoa học đã đánh giá Luật có nhiều chuyển biến rất tốt, đặc biệt là các sản phẩm KH&CN phát triển rất nhanh. Công bố quốc tế năm 2014 của KHCN Việt Nam đã vượt qua ngưỡng 2.600 bài quốc tế trên tạp chí ISI. Số lượng sáng chế cũng tăng lên đáng kể. Số sản phẩm khoa học của Việt Nam đã có sản phẩm lên vị trí hàng đầu trong khu vực và tương xứng với trình độ quốc tế.
Có thể kể ra ở đây như trong lĩnh vực sản xuất văc xin, cơ khí chế tạo với những sản phẩm thiết bị nâng hạ siêu trường, siêu trọng cho đến những giàn khoan dầu khí sản xuất cho Việt Nam và xuất khẩu sang Ấn Độ. Nhiều loại sản phẩm khác như tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu trọng tải lớn… Những sản phẩm này đều nhờ vào thành tựu nghiên cứu làm chủ KH&CN của Việt Nam trong mấy năm qua.
Một số tạp chí của Việt Nam cũng đã bắt đầu đặt chân vào hệ thống cơ sở dữ liệu uy tín của thế giới như là Scopus. Chúng ta cũng đang có chương trình toán học, vật lý từ nay đến năm 2020 hai lĩnh vực này cũng được đầu tư mạnh. Những tạp chí chuyên ngành của hai lĩnh vực Toán và Vật lý sẽ là những tạp chí đi đầu trong việc có vị trí trong cơ sở dữ liệu của Scopus và xa hơn nữa là Thomson.
Có thể nói, thứ hạng thay đổi một cách nhanh chóng và vượt bậc trong năm 2015 là điều đáng mừng và đáng tự hào của khoa học Việt Nam. Nếu như chúng ta tiếp tục đổi mới theo đúng tinh thần của Nghị quyết 20 của Trung ương cũng như Luật KH&CN năm 2013 thì chúng ta có quyền hy vọng sẽ tiếp tục có thứ hạng cao hơn nữa.
Một điều rõ ràng là chúng ta có thể nhìn thấy sự tiến bộ của Việt Nam ngày càng rõ hơn. Nếu như trước năm 2010 theo xếp hạng của WIPO Việt Nam còn đứng thứ 7 trong ASEAN, nhưng rồi chúng ta đã lần lượt vượt qua Philippines, Indonesia trong năm 2013. Đến năm 2014 chúng ta vượt qua Brunei. Năm nay thì Việt Nam vượt qua Thái Lan.
Đây cũng là một trong các mục tiêu mà Chiến lược phát triển KHCN cũng như Nghị quyết 20 của Trung ương đặt ra là đến năm 2020 Việt Nam lọt top các nước dẫn đầu trong ASEAN. Lúc đó chúng ta đặt mục tiêu chỉ lọt trong top 3, thậm chí còn lo lắng về mục tiêu này. Tuy nhiên chưa đến năm 2020 nhưng chúng ta đã lọt vào top 3.
Với kết quả như vậy chúng ta có niềm tin để phấn đấu Việt Nam vẫn trong top 3 nhưng khoảng cách với nước thứ 2 là Malaysia sẽ được rút ngắn một cách đáng kể. Hiện nay Malaysia đang xếp thứ 32 (tức là trên Việt Nam khoảng 20 bậc).
Để rút ngắn khoảng cách này chúng ta còn phải tiếp tục phấn đấu nhưng với tốc độ như thời gian qua thì đến năm 2020 Việt Nam có thể củng cố được vị trí số 3 của ASEAN với thứ hạng cao hơn.
Không tiếp tục đổi mới sẽ đối mặt với khó khăn
- Theo đánh giá của WIPO, trong các tiểu chỉ số đầu vào của đổi mới sáng tạo có chỉ số thể chế, chính sách, đổi mới ứng dụng cơ sở hạ tầng cũng như trình độ phát triển của thị trường… của Việt Nam tăng bậc đáng kể. Tuy nhiên xét trên bình diện chung ở góc độ đầu ra của đổi mới sáng tạo thì việc ứng dụng đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp - những đơn vị cấu thành của nền kinh tế - vẫn chưa được như mong muốn. Ở góc nhìn của mình, Bộ trưởng cho rằng chúng ta cần phải làm gì để cải thiện nâng cao hiệu quả đổi mới sáng tạo từ chính các cá thể này?
Bộ trưởng Nguyễn Quân:
- Có thể thấy những yếu tố đầu vào đánh giá rất dễ vì được thể hiện thông qua hệ thống cơ chế chính sách, nguồn lực của xã hội, Chính phủ đầu tư cho KH&CN. Tuy nhiên các tiểu chỉ số đầu ra thì khó đánh giá hơn vì nó có độ trễ.
Có thể hiểu rằng ngày hôm nay chúng ta tăng cường đầu tư, đổi mới cơ chế chính sách nhưng chưa thể thấy ngay kết quả mà còn có độ trễ trong quá trình triển khai cơ chế chính sách mới. Lộ trình để thấy hiệu quả từ các đầu tư cũng như sự thay đổi về chính sách phải từ 2 đến 3 năm. Chu kỳ của các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu KH&CN cũng không thể ngắn hơn 2 hoặc 3 năm được.
Do vậy phải sau khoảng thời gian này chúng ta mới thấy hiệu quả, tức là lúc này mới thấy đầu ra của KH&CN Việt Nam có sự tiến bộ. Chính vì thế năm vừa rồi do sự tăng trưởng mạnh của các yếu tố đầu vào cho nên thứ hạng của chúng ta đã thay đổi rất đột phá. Nhưng hiệu quả đổi mới sáng tạo lại giảm do là đầu ra chưa có sản phẩm tương xứng với đầu vào.
Đúng như nhận định, bên cạnh các sản phẩm KH&CN công bố quốc tế, bằng sáng chế, kết quả ứng dụng vào sản xuất kinh doanh thì một trong các yếu tố đầu ra rất quan trọng đó là việc đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Những năm vừa qua Chính phủ đã có các chỉ đạo rất đúng như thành lập Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, thành lập Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia với vốn điều lệ lên tới 1.000 tỉ đồng - là một quỹ xếp vào diện lớn nhất trong các quỹ của Nhà nước hiện nay. Mục tiêu thành lập Quỹ là để hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ tạo ra sản phẩm mới, trước mắt là tập trung cho các doanh nghiệp KH&CN.
Giả sử Quỹ này hoạt động từ 2-3 năm trước đây chắc chắn chúng ta sẽ có thứ hạng tốt hơn. Tuy nhiên thời gian đó Quỹ chưa thể hoạt động được vì còn phải xây dựng hệ thống văn bản quy định về cơ chế hoạt động cũng như chi tiêu tài chính và chính thức hoạt động từ năm 2015.
Hiện Quỹ đang bắt đầu xét duyệt các dự án đầu tiên cho một số doanh nghiệp có nhu cầu và đi tiên phong trong việc ứng dụng đổi mới công nghệ. Chúng ta có thể hy vọng 1-2 năm mới sẽ có một loạt doanh nghiệp được đổi mới công nghệ nhờ sự hỗ trợ của nhà nước, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao mang hàm lượng KH&CN trong đó.
Ngoài Chương trình đổi mới KH&CN quốc gia và thành lập Quỹ thì việc hỗ trợ cho các tổ chức và cá nhân, đặc biệt là doanh nghiệp còn thông qua nhiều chương trình khác mà Bộ KH&CN đang triển khai. Ví dụ như Chương trình phát triển Sản phẩm quốc gia; Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao; Chương trình nâng cao năng suất chất lượng của hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020; Chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp KH&CN; Chương trình nông thôn miền núi…
Với tổ hợp nhiều chương trình quốc gia mà Bộ đang triển khai thì chắc chắn doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận với công nghệ mới; tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước để có thể triển khai các dự án sản xuất ra các sản phẩm mới trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Với nhiều hiệp định Việt Nam đã ký kết tham gia như các Hiệp định thương mại tự do (FTA), FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định Việt Nam - EU; Việt Nam - Bốn nước Bắc Âu (EFTA); Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)… nếu doanh nghiệp Việt Nam không có sự chuẩn bị, sẵn sàng đổi mới công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh thì chắc chắn sẽ vô cùng khó khăn.
- Như Bộ trưởng vừa nói, Việt Nam đang hội nhập sâu và trong lĩnh vực KHCN Luật KHCN 2013 đã dành một chương về hội nhập. Đây cũng là bộ luật đầu tiên của Việt Nam có riêng một chương về hội nhập quốc tế, cho thấy tầm quan trọng của nó. Vậy, xin Bộ trưởng cho biết để đáp ứng yêu cầu hội nhập Việt Nam đã chuẩn bị được những gì và đâu là thách thức mà chúng ta cần phải giải quyết trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Quân:
- Bộ KHCN xác định hội nhập quốc tế là một tất yếu bởi chúng ta là nước phát triển sau với trình độ công nghệ rất lạc hậu. Nước ta lại có rất nhiều năm phải kinh qua chiến tranh nên việc tiếp cận với nền khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới, học hỏi kế thừa các kết quả nghiên cứu của họ để rút ngắn khoảng cách là điều hết sức quan trọng. Chính vì thế trong Luật KH&CN cũng như các chính sách Bộ KH&CN xây dựng trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt đều coi trọng yếu tố hội nhập quốc tế.
Chúng ta đã có các hiệp định hợp tác KH&CN với khoảng 70 quốc gia. Trong các năm qua các đối tác chính của Việt Nam - các quốc gia có trình độ KH&CN phát triển nhất đã có sự phối hợp, hỗ trợ rất quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam.
Về đổi mới KH&CN, thách thức lớn nhất mà chúng ta phải đương đầu trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới có hai yếu tố quan trọng đó là sở hữu trí tuệ và chất lượng hàng hóa. Nhất là khi hội nhập, chúng ta tham gia các hiệp định TPP, Hiệp định thương mại tự do thì sở hữu trí tuệ là khâu vướng mắc nhất trong đàm phán. Chúng ta rất khó đáp ứng được yêu cầu của các đối tác quốc tế.
Ví dụ như trong các Hiệp định thương mại tự do và TPP thì chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa luôn là vấn đề nóng. Họ đặt ra yêu cầu bảo hộ rất cao nếu chúng ta trở thành thành viên của các hiệp định này. Thế nhưng điều kiện của Việt Nam về hạ tầng, nguồn nhân lực, nhận thức của xã hội… lại đang ở mức rất thấp. Chính vì thế quá trình đàm phán thường bị tắc.
Chúng ta mong muốn có thời gian chuyển tiếp để thêm sự chuẩn bị đáp ứng yêu cầu rất cao của các đối tác, thế nhưng các đối tác – đặc biệt là Hoa Kỳ luôn luôn yêu cầu phải đáp ứng ngay hoặc có thời gian chuyển tiếp rất ngắn. Họ không muốn có sự bất bình đẳng trong các thành viên tham gia các hiệp định.
Chúng ta cũng vẫn đang đàm phán tuy nhiên về phía mình cần phải giữ được khoảng cách nhất định để các doanh nghiệp Việt Nam tự điều chỉnh đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Một vấn đề nữa là chất lượng hàng hóa cũng là yếu tố rất đáng quan tâm. Khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thì mở cửa hoàn toàn đối với các thị trường. Khi đó hàng hóa của các nước sẽ không còn hàng rào thuế quan. Như vậy nếu chất lượng hàng hóa các sản phẩm của Việt Nam không đủ sức cạnh tranh chắc chắn doanh nghiệp Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà.
Vì vậy doanh nghiệp Việt Nam cần phải tự nỗ lực và phía nhà nước hỗ trợ cũng có thời gian rất ngắn. Doanh nghiệp Việt Nam cũng phải hết sức khẩn trương đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu những mặt mạnh của thị trường Việt Nam cũng như mặt yếu của thị trường quốc tế. Từ đó tập trung vào các sản phẩm mũi nhọn mang tính đặc thù, sản phẩm có đủ sức cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trên thị trường quốc tế.
Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp nhưng thực tế sản phẩm nông nghiệp cũng chưa cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại ngay trong khu vực chứ chưa nói trên bình diện quốc tế.
Ví dụ như gạo chúng ta cũng khó cạnh tranh với Thái Lan, Campuchia và Myanmar. Hay như các sản phẩm tiêu dùng cũng rất khó cạnh tranh với Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc.
Cho nên với khoảng thời gian còn lại rất ngắn, nhà nước chắc chắn phải có những đầu tư thích đáng cả về cơ chế chính sách cũng như nguồn lực. Tuy nhiên doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ yếu, thắt lưng buộc bụng tập trung nguồn lực để đầu tư cho đổi mới công nghệ, sau đó là đào tạo nguồn nhân lực và phát triển thị trường. Có như thế thì chúng ta mới có thể hội nhập thuận lợi. Để làm được như vậy vai trò của KH&CN trong tất cả các vấn đề đều đặc biệt quan trọng.
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!