Một báo cáo mới đây cho thấy những quốc gia có tỷ lệ người thừa cân cao, như Anh và Mỹ, cũng là những quốc gia có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất. Báo cáo kêu gọi chính phủ các nước khẩn trương giải quyết tình trạng béo phì và ưu tiên tiêm chủng cho người thừa cân.

Trong số các quốc gia có hơn một nửa số người trưởng thành bị thừa cân, Bỉ có tỷ lệ tử vong cao nhất, tiếp theo là Slovenia và Anh. Ý và Bồ Đào Nha đứng thứ 5 và 6, trong khi Mỹ đứng thứ 8. Ảnh:Andy Rain/EPA

Cụ thể, báo cáo từ Liên đoàn Béo phì Thế giới cho biết có khoảng 2,2 triệu trong số 2,5 triệu ca tử vong do Covid-19 là ở các quốc gia có tỷ lệ người thừa cân cao. Những quốc gia như Anh, Mỹ, và Ý, nơi có hơn 50% người trưởng thành bị thừa cân, đều ở trong nhóm có tỷ lệ tử vong liên quan đến coronavirus cao nhất.

Vấn đề không chỉ là béo phì, mà là mức cân nặng mà người dân ở nhiều quốc gia hiện nay cho là bình thường. Tỷ lệ tử vong ở những nước có hơn một nửa số người trưởng thành có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn 25kg/m2 – mức cân nặng chuyển tiếp giữa bình thường thành thừa cân – cao gấp 10 lần so với những nước khác.

Liên đoàn Béo phì Thế giới cho biết các nước nên ưu tiên tiêm chủng và xét nghiệm cho những người thừa cân vì họ có nguy cơ tử vong cao hơn.

Trong số các quốc gia có hơn một nửa số người trưởng thành bị thừa cân, Bỉ có tỷ lệ tử vong cao nhất, tiếp theo là Slovenia và Anh. Ý và Bồ Đào Nha đứng thứ 5 và 6, trong khi Mỹ đứng thứ 8.

Ngược lại, Việt Nam có tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp nhất thế giới và mức độ thừa cân trong dân số thấp thứ hai.

Bảng dữ liệu do The Guardian thực hiện (dữ liệu tính đến ngày 23/2/2021).

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus nói, báo cáo này cảnh báo các chính phủ trong việc giải quyết tình trạng béo phì cũng như những hệ quả về sức khỏe mà nó gây ra. “Mối tương quan giữa béo phì và tỷ lệ tử vong do Covid-19 vô cùng rõ ràng và thuyết phục.”

‘Đại dịch’ béo phì

“Chúng tôi rất sốc khi thấy mối tương quan cao giữa tỷ lệ người trưởng thành thừa cân của một quốc gia với số ca tử vong do Covid-19”, TS Tim Lobstein, tác giả của báo cáo và là cựu cố vấn của WHO và cơ quan Y tế Công cộng Anh, chia sẻ. “Chúng tôi biết đây là vấn đề của một vài quốc gia, nhưng lúc này, đây là vấn đề chung của thế giới – trừ một số trường hợp ngoại lệ như New Zealand và Iceland đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương này.”

Phân tích dữ liệu của The Guardian cho thấy, ở Anh, nơi gần 54% người trưởng thành thừa cân hoặc béo phì, gần 20% số bệnh nhân Covid-19 nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt có cân nặng bình thường, 32% thừa cân và 48% béo phì. Ở Mỹ, nơi tình trạng thừa cân và béo phì ở người trưởng thành là 68%, 12% số bệnh nhân Covid-19 nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt có cân nặng bình thường, 24% thừa cân và 64% béo phì.

“Giờ đây chúng ta biết rằng tình trạng thừa cân là đại dịch tiếp theo đang trực chờ bùng nổ," ông nhận định. "Trong thập kỷ qua, chính phủ các nước đã thất bại trong việc giải quyết tình trạng béo phì, dù đã tự đặt mục tiêu cho mình tại các cuộc họp của Liên Hợp Quốc. Covid-19 chỉ là một ví dụ về một ca bệnh có thể trở nặng hơn do các vấn đề về cân nặng, nhưng thực ra các dấu hiệu cảnh báo đã tồn tại từ lâu.”

“Có vẻ như chính phủ các quốc gia không muốn ‘chạm’ vào các lợi ích thương mại trong ngành thực phẩm và nông nghiệp”, ông nói thêm.

Michael R Bloomberg, đại sứ WHO về các bệnh không lây nhiễm và chấn thương, đánh giá, kết quả ngiên cứu này “nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc chiến chống béo phì trên toàn thế giới, bao gồm cả các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi tỷ lệ này đang tăng nhanh nhất. Chúng ta đã nhận thấy tác động tích cực của các chính sách về thực phẩm lành mạnh ở hàng chục quốc gia, và chúng ta có thể cùng nhau đạt nhiều tiến bộ hơn nữa trong việc tiết kiệm và cải thiện cuộc sống."

Nguồn: