Bà Ngô Phương Trà cho biết: “Miền Trung vẫn còn là một “vùng lõm” về sở hữu trí tuệ. Vì vậy, sau ba năm về công tác ở đây, mọi nỗ lực của tập thể đều tập trung vào công tác tuyên truyền, bắt đầu với cộng đồng sinh viên trong các trường đại học, cộng đồng khởi nghiệp – là những đối tượng có tư duy mở, để tìm con đường cho sở hữu trí tuệ phát triển”.
Bà Trà – Phụ trách Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng – chia sẻ, ba năm trước, mang những câu chuyện về sở hữu trí tuệ đến với các trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng như Duy Tân hoặc Kinh Tế, thì các sinh viên ngồi nghe tương đối thụ động vì chưa tìm thấy mối liên hệ giữa những điều mình học với cái “món trí tuệ vô hình” này.
Nhưng mưa dầm thấm lâu, bây giờ những buổi trò chuyện với sinh viên đã phải gặp những thách thức rất thú vị. Chẳng hạn, sinh viên đã hỏi rất sâu về chuyện như “tác giả chết đi rồi thì quyền sẽ như thế nào?”, như vậy là có cơ hội để giải thích về quyền nhân thân và quyền tài sản trong quyền tác giả khác nhau thế nào về thời hạn bảo hộ. Rồi những câu hỏi như cần xin phép như thế nào để làm tác phẩm phái sinh? Có lúc sinh viên hỏi một trường hợp cụ thể, chẳng hạn: “Ký hợp đồng lao động có phần ghi chú “quyền sở hữu trí tuệ tạo ra khi làm việc sẽ thuộc sở hữu của doanh nghiệp” vậy có đúng không?”.
Bây giờ, thay vì phải đề nghị với các trường, thì một số nơi đã chủ động đặt hàng các chuyên đề phù hợp với chuyên môn của họ như khoa thương mại điện tử - trường ĐH Kinh tế với chuyên đề về sáng chế, trường ĐH Duy Tân với chuyên đề về chuyển giao công nghệ…
“Chúng tôi cũng thấy vui, khi mở rộng hoạt động tuyên truyền ra Huế, trường ĐH Luật – ĐH Huế còn ký thỏa thuận về công tác tuyên truyền thường xuyên và đề nghị phối hợp tổ chức cuộc thi về SHTT cho sinh viên hằng năm. Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam cũng đã bắt đầu liên hệ tìm hiểu về những nội dung mà Cục có thể hỗ trợ cho các trường đại học…
Theo bà Trà, ở miền Trung đã từng xảy ra nhiều cuộc tranh chấp về sở hữu trí tuệ rất nổi tiếng: Chẳng hạn vụ kiện giành nhau thương hiệu Tré Bà Đệ tranh chấp rất dai dẳng, ai đăng ký trước thì người đó có quyền, nó lại liên quan đến quyền thừa kế. Nhưng có trường hợp khác, tích cực hơn, là bánh mì ông Tí, đã khôn ngoan ngay từ đầu, đăng ký đồng sở hữu cho các người con khi nhận ra họ đang sở hữu một thương hiệu có giá trị…”. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp tiếp cận rất khó khăn, các khuyến cáo chưa được quan tâm và để tâm đúng mức.
“Có một trung tâm Anh ngữ lớn, dùng tên gọi mà tôi cho rằng rất dễ bị coi là tương tự gây nhầm lẫn với một số tên đã được bảo hộ nhãn hiệu khác, nên càng đầu tư phát triển cái tên này, về dài hạn sẽ gây thiệt hại lớn. Kiên trì đeo đuổi việc tư vấn và khuyến cáo, nhưng có vẻ vẫn chưa có kết quả gì mấy…” – người phụ nữ được cộng đồng khởi nghiệp miền Trung vô cùng yêu mến này kể.
Nhóm khởi nghiệp là nhóm tôi kỳ vọng nhiều vào kết quả, vì công việc của các bạn liên quan nhiều đến sở hữu trí tuệ, có khi đó là tài sản duy nhất mà các bạn có… Những cuộc nói chuyện với khởi nghiệp thường dài, sâu và các bạn có theo đuổi câu chuyện. Tôi cho rằng đó là một tín hiệu tích cực. Chẳng hạn, có một nhóm toàn tiến sĩ làm về trí tuệ nhân tạo, sau quá trình trò chuyện, chúng tôi chỉ ra cho các bạn nhận diện ra các tài sản trí tuệ các bạn đang có mà không biết, từ đó có thêm lợi thế trong đàm phán với các đối tác kinh doanh…”.
Trần Nguyên