Trước viễn cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm, nguy cơ chiến tranh thương mại và sức ép từ làn sóng công nghiệp 4.0, nhiều thảo luận đã diễn ra tại Việt Nam nhằm đi tìm một mô hình tăng trưởng mới cho đất nước.

.

Trong số này, phải kể tới Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Nhóm làm việc thuộc Ngân hàng Thế giới với một chuỗi các hoạt động từ tháng 7/2018; hay mới đây nhất là hội thảo “Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045” được tổ chức hôm 20/3 ở Hà Nội.

Tại hội thảo, hầu hết các chuyên gia đều đồng tình với nhận định: mô hình tăng trưởng cũ – được áp dụng từ sau Đổi mới (1986), giúp Việt Nam thoát nghèo và vươn lên thành một quốc gia thu nhập trung bình thấp – đến nay đã không còn phù hợp. Mặc dù tốc độ tăng GDP của Việt Nam trong 30 năm qua là tương đối ấn tượng (trung bình 5,6%/năm theo số liệu của IMF), thậm chí còn được xếp vào hàng điểm sáng của thế giới, nhưng mô thức quá chú trọng thâm dụng vốn bên ngoài và tận dụng lợi thế tài nguyên, lao động giá rẻ để hội nhập theo chiều rộng, lấy xuất khẩu làm động lực … khiến chất lượng tăng trưởng đã không thật sự được đánh giá cao. Đối với tất cả các chỉ số thành phần quan trọng như tăng TFP (năng suất tổng yếu tố), ICOR (hiệu quả sử dụng vốn) … Việt Nam đều đang bị xếp rất thấp; cá biệt liên quan đến khía cạnh năng suất lao động, chúng ta cũng đang nằm ở nhóm cuối ASEAN và có nguy cơ sắp bị Lào, Campuchia hay Myanmar vượt mặt.

Xét về hiệu quả đầu tư, trong khi các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ; khu vực tư nhân èo uột mãi chưa thể lớn; thì khối FDI (đầu tư nước ngoài), mặc dù nhận được rất nhiều ưu đãi, song dường như vẫn chưa thể đáp ứng kỳ vọng mang lại hiệu ứng lan tỏa tích cực đến toàn bộ nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu; cùng với đó là hoạt động chuyển giao, đổi mới công nghệ diễn ra hết sức chậm chạp, khiến Việt Nam bị đánh giá thuộc nhóm nước chưa sẵn sàng với Cách mạng công nghiệp 4.0 (Báo cáo tháng 4/2018 của WEF) và rất dễ chịu tổn thương trước các cú sốc. Vì thế, ông Ousmane Dione – Giám đốc Quốc gia của World Bank tại Việt Nam – đã rất nhiều lần nhấn mạnh thay đổi là cấp thiết, bởi “Những thành quả đạt được sau hàng chục năm qua sẽ không thể đảm bảo cho sự thành công của Việt Nam trong tương lai; Tác động của những cải cách thể chế và cấu trúc giai đoạn đầu dường như đã tới giới hạn của nó.”

Trên con đường đến với thịnh vượng, Việt Nam đang rất muốn tái lặp lại kỳ tích của các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore …) trong nửa sau của thế kỷ 20, thể hiện qua khát vọng và tầm nhìn về một “nhà nước kiến tạo phát triển” – khái niệm từng nhiều lần được đưa vào trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận một thực tế rằng bối cảnh thế giới hiện nay, so với khi ấy đã có quá nhiều đổi khác. Đó là sự chín muồi của chuỗi giá trị toàn cầu, gây ra những thách thức chiến lược đối với các quốc gia vẫn lấy xuất khẩu làm trụ cột và theo đuổi tăng trưởng dựa trên công nghiệp sản xuất chế tạo nhờ thâm dụng lao động. Ngoài ra, chuỗi giá trị 4.0 sắp tới sẽ còn sâu hơn nhiều so với chuỗi 3.0 cũ (báo cáo tháng 1/2019 của World Bank), dẫn tới sự rút gọn, tinh giản của hàng loạt quy trình, công đoạn và việc làm (nhờ các tiến bộ trong lĩnh vực tự động hóa, AI, dữ liệu lớn, IoT) … cùng sự trỗi dậy của nhiều ngành nghề, dịch vụ mới đòi hỏi trí tuệ và trình độ công nghệ cao. Trong khi Việt Nam hiện vẫn chỉ đang ở đáy thấp của cả hai chuỗi, và chưa cho thấy có nhiều dấu hiệu chuyển dịch tích cực.

Khoảng 10 năm trở lại đây, dòng chảy của các luồng vốn đầu tư quốc tế đang có xu hướng chậm lại và hạn chế đổ vào thị trường ở những quốc gia đang phát triển; trong khi dòng chảy của dịch vụ và dữ liệu xuyên biên giới, thì ngược lại đang gia tăng đột biến. Sự ra đời liên tục của nhiều công nghệ mang tính đột phá đã thúc đẩy cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa những cường quốc Mỹ, Nhật, EU, bên cạnh tham vọng của các thế lực mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ. Những bước tiến nhảy vọt do các tay chơi dẫn đầu tạo ra, chắc chắn sẽ khiến bức tranh cân bằng toàn cầu bị xáo trộn mạnh mẽ. Vì thế, nguy cơ tụt hậu và bị gạt ra ngoài rìa đối với những nền kinh tế nhỏ, yếu như Việt Nam là rất hiện hữu.

Trong thế ở ngã ba đường và loay hoay với bài toán bẫy thu nhập trung bình (middle income trap), khoảng thời gian 2020 – 2030 được đánh giá là giai đoạn bản lề hay mang tính quyết định để xem liệu Việt Nam có thể tạo được bứt phá mạnh mẽ. Như các chuyên gia tại Hội thảo khuyến nghị, Việt Nam bắt buộc phải đi theo mô hình tăng trưởng dựa trên tích lũy tri thức và công nghệ, chú trọng cải thiện chất lượng và năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp hiện có, khuyến khích chuyển dịch sang những ngành nghề, dịch vụ đòi hỏi trình độ công nghệ, trí tuệ và đem lại giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, trọng tâm của mô hình cũng phải được điều chỉnh, chuyển từ phân bố nguồn lực trong quan hệ Nhà nước – Thị trường sang xây dựng các hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia – đóng vai trò kiến tạo không gian phát triển và mang lại sự hỗ trợ bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân.

Để hiện thực hóa ý tưởng, các chuyên gia cũng gợi ý một số chiến lược mà Việt Nam nên ưu tiên. Thứ nhất, cần tăng cường đầu tư và tích lũy vốn (bao gồm vốn tư bản và vốn con người) – trong khi hầu hết các yếu tố khác như tiền bạc, nguyên vật liệu, công nghệ … đều có thể mua hoặc vay mượn thì chất lượng nguồn nhân lực chỉ có thể được cải thiện thông qua đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục, y tế và các hoạt động nhân văn. Thứ hai, liên quan đến công nghệ, có nhiều con đường để bắt kịp như đi tuần tự, nhảy cóc hay thay thế đột phá, tuy nhiên TS. Sebastian Eckardt (World Bank) đề nghị Việt Nam nên tập trung tiếp nhận và hấp thu công nghệ mới (adopt) thay vì phát minh (invent), trước khi hội tụ đủ năng lực và điều kiện thuận lợi.

Trong số những kịch bản tăng trưởng mà nhóm nghiên cứu xây dựng (dựa trên nhiều mô hình tính toán) cho giai đoạn 10 năm tiếp theo, kịch bản “Đổi mới 4.0” xem ra là được ưa thích hơn cả, với những chỉ tiêu kỳ vọng như: tốc độ tăng GDP bình quân 7%/năm, tăng TFP 2,67%, GDP đầu người năm 2030 và 2045 đạt lần lượt 4.859USD, 12.642 USD – một thách thức không nhỏ đối với tiềm năng hiện nay của đất nước; nhưng để cải thiện vị thế, chúng ta không thể không theo đuổi.

Trong quá khứ, trước thềm 2011 – 2020, Việt Nam đã từng tổ chức nhiều hội thảo về thực trạng và giải pháp cho thời kỳ mới, thừa nhận mô hình tăng trưởng cũ đã không còn hữu dụng và đặt ra yêu cầu đổi mới chú trọng đến chiều sâu. Đến nay, sau đúng 10 năm, chúng ta vẫn đang nhấn mạnh những điều tương tự, một phần do chúng quan trọng, song cũng bởi chúng ta đã chưa thực sự cải thiện được nhiều. Vì thế, trong giai đoạn nước rút sắp tới, chắc chắn Việt Nam sẽ phải rất nỗ lực, thậm chí gấp 10 lần hòng đuổi kịp thế giới và tránh rơi vào vòng luẩn quẩn.