Được xem là một sáng kiến nằm trong tầm nhìn chiến lược nhằm làm gia tăng sức ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc, “Nhất đới, Nhất lộ” (Belt Road Initiative hay BRI) đã và đang gây ra rất nhiều tranh cãi trong giới học giả, các nhà quan sát và bình luận chính trị.

Sáng kiến Vành đai – Con đường của Trung Quốc. Ảnh: The Jarkata Post
Sáng kiến Vành đai – Con đường của Trung Quốc. Ảnh: The Jarkata Post

Chiều ngày 4/12 tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội (USSH), Giáo sư Lee Chun-Yi từ Trường Chính trị và Quan hệ Quốc tế – Đại học Nottingham (Anh), đã chia sẻ những luận điểm chính trong nghiên cứu mới của bà về BRI và tác động đối với ASEAN.

Trong bài tham luận của mình, bằng phương pháp tiếp cận chuyên sâu, chủ yếu dựa trên các chuyến khảo sát thực địa (field trip) tại nhiều khu vực trực tiếp chịu tác động của BRI như Tân Cương, Vân Nam, Myanmar, … bên cạnh việc nắm rõ những điểm cốt lõi trong văn kiện của Chính phủ TQ, GS Lee đã mang tới cho người tham dự một cái nhìn toàn cảnh cùng sự lý giải mang tính “học thuật” về chiến lược này.

Cùng với Con đường tơ lụa mới trong thế kỷ 21 (New Silk Road), có thể nói BRI thực sự là “ván bài” mà TQ đang đặt cược rất lớn, bằng kế hoạch mở rộng và xây dựng mới hàng trăm công trình cơ sở hạ tầng kết nối liên quốc gia và liên khu vực, thông qua ba ngả Tân Cương (cửa ngõ tới Trung Á), Vân Nam (cánh cổng tới ASEAN) và tuyến đường sắt1 Á – Âu dài nhất trong lịch sử (xuất phát từ Trùng Khánh) – với tổng giá trị ước tính lên đến gần 1000 tỷ USD, dựa trên sự hỗ trợ tài chính từ Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) và Ngân hàng Tái thiết Phát triển châu Âu (EBRD)2.

Mục tiêu của những dự án đầy tham vọng này, theo tuyên bố của Chính phủ TQ, đó là nhằm tăng cường “sự hợp tác và tìm kiếm lợi ích chung” trong bối cảnh TQ đang rất cần hội nhập sâu và ảnh hưởng hơn nữa tới hệ thống kinh tế toàn cầu, với 5 ưu tiên trọng điểm, bao gồm “phối hợp chính sách, kết nối hạ tầng, hướng tới thương mại phi thuế quan, hội nhập tài chính và củng cố mối liên hệ giữa con người.”

Tuy nhiên, thực tế triển khai và hiện thực hóa tầm nhìn trên của TQ đã gặp không ít khó khăn do những mâu thuẫn và xung đột phát sinh (gần như không thể dung hòa) tại nhiều khu vực được TQ coi là cửa ngõ để mở rộng tầm ảnh hưởng liên vùng, như khu tự trị Tân Cương3 và các quốc gia tiếp nhận đầu tư ở Đông Nam Á như Malaysia, Myanmar hay Việt Nam4

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, có lẽ là do mối quan ngại cùng sự bất mãn đang ngày càng gia tăng trong cộng đồng địa phương vì nguy cơ ô nhiễm môi trường, hủy diệt hệ sinh thái, tình trạng bất bình đẳng và mâu thuẫn sắc tộc gia tăng5 … đi kèm với yếu tố an ninh quốc phòng nhạy cảm. Chẳng hạn, rất đông người dân Malaysia đã phản đối dự án Thành phố trong rừng (Forest City) do Country Garden – một công ty TQ niêm yết tại Hongkong – đầu tư ở Johor Bahru (ngay cạnh Singapore), được dựng lên chỉ để phục vụ giới nhà giàu TQ, hình thành một dạng “tô giới” kiểu mới; hay dự án Đập thủy điện Myitsone do nhà thầu TQ xây dựng tại bang Kachin (Myanmar) vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhóm dân sự và hành động môi trường, bên cạnh tệ nạn tham nhũng khủng khiếp6, dẫn tới đình chỉ công trình và để lại khoản nợ 800 triệu USD chưa được thanh toán (kể từ 2011).

Giáo sư Lee Chun-Yi, ĐH Nottingham (Anh). Ảnh: ĐH Nottingham
Giáo sư Lee Chun-Yi, ĐH Nottingham (Anh). Ảnh: ĐH Nottingham

Những phát hiện trên của GS Lee thực ra không hề mới và hoàn toàn trùng khớp với hiểu biết của nhiều học giả chuyên về TQ, trong đó có không ít người Việt Nam. Tuy nhiên, điểm cần nhấn mạnh là màu sắc khách quan trong nghiên cứu của GS Lee, khi được dựa trên những bằng chứng từ khảo sát thực tế và trích dẫn học thuật mang tính hệ thống, đồng thời mang tới một bức tranh tương đối trung lập (neutral) từ góc nhìn của cả hai phía: Chính phủ TQ và những nơi chịu ảnh hưởng của BRI.

Sau cùng, GS Lee nhận định, diễn biến của BRI (bao gồm tiến độ thực hiện cùng phạm vi tác động đối với ASEAN) trong thời gian tới sẽ trở nên hết sức phức tạp và lại càng khó để có thể lượng hóa rõ ràng. Tuy nhiên giáo sư tin rằng, ASEAN và các nước nằm quanh vùng ảnh hưởng của TQ, chắc chắn rồi sẽ đều phải có những suy tính chiến lược kỹ lưỡng từ bài học của các nước láng giềng để ra quyết định khi hành xử với TQ.

Ngoài ra, GS Lee cũng đưa ra một số dự báo về khả năng chuyển mình nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng của TQ, cả trong khu vực lẫn trên thế giới, cụ thể là bằng chính sách áp đặt quyền lực mềm (soft-power) thông qua phô diễn quyền lực cứng (hard power) là sức mạnh kinh tế – quốc phòng. Tuy nhiên, cuộc phiêu lưu của TQ với BRI chắc chắn sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức liên quan đến nhiệm vụ giải quyết mối xung đột sắc tộc, các khúc mắc trong hoạt động đầu tư tại ASEAN và Trung Á, bên cạnh gánh nặng tài chính khi phải cố gắng duy trì sự ổn định của AIIB7 – những mâu thuẫn rất khó dung hòa nếu chỉ áp dụng duy nhất sách lược kiểm soát bóp nghẹt. Vì thế, bên cạnh quyền lực mềm, GS Lee còn mạnh dạn đặt ra một câu hỏi mở về tương lai của quyền lực thông minh (smart power8) mà TQ có thể áp đặt lên phần còn lại của thế giới.

Sau cùng, với vị trí chiến lược và tiềm năng phát triển năng động bậc nhất của mình, ASEAN chắc chắn sẽ trở thành một địa bàn lý tưởng để khảo cứu về các tác động và xu hướng đối phó với tầm ảnh hưởng toàn cầu của TQ – chủ đề mà GS Lee tin rằng sẽ rất hấp dẫn giới học thuật.

Chú thích:

1. TQ tham vọng vượt mặt Nhật khi tìm cách xuất khẩu công nghệ đường sắt cao tốc ra thế giới.
2. Thông qua AIIB và EBRD, TQ rất muốn cạnh tranh với WB (Mỹ) và ADB (Nhật).
3. Tân Cương vốn là đất sinh sống lâu đời của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, Trung Quốc chỉ thực sự kiểm soát từ năm 1949.
4. Ảnh hưởng của di dân Hoa Kiều tại Đông Nam Á luôn là một vấn đề nhạy cảm.
5. Chủ yếu là mâu thuẫn giữa người Hán với các sắc dân bản địa.
6. Tồn tại rất nhiều mâu thuẫn lợi ích nhóm trong quân đội Myanmar.
7. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm ở mức hai con số của TQ đã chấm dứt.
8. Soft power, hard power và smart power là những khái niệm do GS Joseph Nye và Suzanne Nossel khởi xướng.