Cứ tưởng bà đại sứ Israel cũ đã là một nhà ngoại giao “bụi đời” nhất, hoá ra, ông tân đại sứ phụ trách Việt Nam và Lào lại càng “ngầu” hơn.
Ông Nadav Eshcar bước xuống xe, che cái áo để tránh mớ nước mưa đang đổ xuống ào ạt trong một ngày cuối đông. Ông ồ lên khi nhìn thấy bức tượng Apsara cẩn trước sân quán ăn, quay sang hỏi: “Đây là vũ công chuyên những điệu múa cho các vị thần Hindu thưởng thức, chứ bản thân các nàng ấy không phải là thần, đúng không?”. Kỷ niệm đúng 100 ngày đến Việt Nam nhận vị trí đại sứ , ông tự thưởng cho mình chuyến tham quan Cổ Viện Chàm, một trong những điểm đến kỳ lạ nhất của phương Nam...
Ông Nadav Eshcar trong cuộc thi Start Jerusalem 2017.
Ông đại sứ “bụi đời”
Cứ tưởng bà đại sứ Israel cũ đã là một nhà ngoại giao “bụi đời” nhất, hoá ra, ông tân đại sứ phụ trách Việt Nam và Lào lại càng “ngầu” hơn: Mới có 100 ngày đến nhận chức, ông đã đi chu du đủ ba miền, gặp gỡ từ lãnh đạo chính phủ, các tỉnh thành cho tới các tổ chức xã hội, hiệp hội doanh nghiệp và đặc biệt, đến đâu, ông cũng dành gần như toàn bộ ưu tiên để “chơi” cùng cộng đồng khởi nghiệp trẻ. Lần xuất hiện đầu tiên của mình trước công chúng Việt Nam, là lúc ông tổ chức cuộc thi “Start Jerusalem” – đưa ra những thách thức mới cho người trẻ tại không gian làm việc chung của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông cầm ly cà phê, chủ động đi bắt chuyện với những người trẻ có vẻ rụt rè chưa dám đến chào ông. Ông vỗ vai động viên những câu chuyện của từng người, không quên nhắn họ có gì hay thì gửi thông tin về trang Facebook cá nhân của ông hoặc của sứ quán Israel để có thể nghiên cứu tiếp…
Ông Nadav Eshcar (bìa trái) trao đổi với CEO của công ty Hekate tại Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES). Ảnh: DNES.
Ông bảo, hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Israel đang trong giai đoạn nở rộ. Nhưng mà ông cần tìm kiếm nhiều hơn nữa những gương mặt đại diện cho giới khởi nghiệp trẻ của Việt Nam có những trải nghiệm, tương tác thú vị tại quốc gia khởi nghiệp Israel. Bởi vậy, nhiệm vụ thú vị mà ông luôn chủ động giành lấy, là đi gặp trực tiếp những người trẻ và nghe những câu chuyện của họ, để tính toán thử xem có thể hỗ trợ được gì…
Mới tuần trước ở Hà Nội, ngay sau đó đã thấy ông ở Bến Tre. Ông bảo, sẽ đem theo ba món quà để tặng các bạn trẻ đồng bằng sông Cửu Long. Hóa ra, đó là ba câu chuyện mà ông tin rằng sẽ truyền cảm hứng để các bạn có thể suy nghĩ nhiều hơn về sự ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp để gia tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của quê mình. Bắt đầu là câu chuyện cái máy gọt vỏ dưa hấu.
Ông bảo: “Có ai thấy cái máy gọt vỏ dưa hấu này kỳ diệu không? Không, nó là thứ sản phẩm cơ khí cơ bản lắm, gồm lưỡi dao và hệ thống ròng rọc tự động thôi. Nhưng có một nhà nghiên cứu Israel tự đặt câu hỏi: làm sao để cái máy này trở nên hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn và tiện dụng hơn? Vậy là ông ta nghiên cứu, thử nghiệm sau đó nghĩ ra việc gắn thêm con mắt thần – một cái cảm biến – gần lưỡi dao. Con mắt thần này có khả năng đánh giá được độ dày mỏng của vỏ dưa mà điều chỉnh lưỡi dao để không gọt vỏ quá phí phạm hoặc quá lười biếng. Đó là công nghệ 4.0, đơn giản và hiệu quả nhất”. Rồi ông nâng độ khó của câu chuyện lên, thành chuyện người Israel có hệ thống cho phép người chăn nuôi có thể quản lý, theo dõi, giám sát và cho ăn đàn gia súc tập trung thông qua các thiết bị máy tính. Chẳng hạn, trong trang trại có gắn máy đo nhiệt độ của bò. Họ gắn lên trần nhà và sẽ biết được con bò nào ăn ít, nằm nhiều, từ đó đoán ra tình hình sức khỏe của chúng… Rồi ông lại kể câu chuyện tưởng chừng… khó giàn trời mây, nhưng lại được giải quyết ngon lành: Thường khi dọn ao, thùng nuôi tôm, cá, rất khó khăn để biết được trong ao có bao nhiêu con cá. Chúng tôi nghiên cứu ra cái máy có con mắt thần, trong vài giây sẽ chụp ra cái hình và đếm trong hình ra bao nhiêu con trong ao.
“Đây là những ví dụ nghiên cứu mà tôi muốn chia sẻ ứng dụng hằng ngày mà chúng tôi đã ứng dụng ở Israel. Các bạn cũng phải nghĩ ra những ứng dụng như vậy cho đồng bằng sông Cửu Long chứ?” – ông hỏi những người trẻ.
Và lời khuyên “hãy xách ba lô lên và đi”
Ông hẹn đi ăn tối ở Đà Nẵng, trời mưa tầm tã, rất may ông không “đóng bộ” áo vest như thường ngày mà mặc trang phục giản dị. Ông không đi cùng người cận vệ thường thấy bởi xếp cuộc gặp vào hạng mục “việc cá nhân”. Bàn ăn tối có hai chuyên gia từ Israel sang dạy học và nhóm chuyên viên của Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng. Ông “giao hẹn” trước: Không có đề tài gì là không được nói ở buổi tối này nhé!
Chúng tôi bắt đầu bằng việc nâng ly chúc mừng 100 ngày làm việc chính thức tại Việt Nam của Nadav. Ông có vẻ rất hào hứng, khoe ngay: “Tôi thì mới vừa làm quen sơ sơ với cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam thôi, chẳng được như mấy đứa con của tôi. Các bạn nhỏ giờ sáng nào cũng chỉ ăn phở, và thỉnh thoảng đòi mẹ làm chả giò chiên, vốn là món mà cô ấy đã học được từ 15 năm trước, khi chúng tôi đi du lịch Việt Nam lúc vừa cưới nhau”…
Ông dùng đũa thành thạo, ăn uống có vẻ ngon miệng và kể nhiều về những trải nghiệm mà mình thấy về sự tương đồng giữa hai quốc gia. “Thời xưa chúng tôi rất nghèo nên phải tự mày mò, tạo ra các loại máy móc để phục vụ nông nghiệp cũng như những yêu cầu khác. Ngày nay chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm rằng cái khó ló cái khôn. Người Việt Nam rất tò mò, thực tế, sáng tạo. Tôi nhìn thấy rất nhiều tiềm năng của start-up tại đây trong thời gian tới.Tuy nhiên, start-up không chỉ đơn giản là doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo tôi, start-up còn có nghĩa là sáng tạo và sử dụng các công nghệ mới để tìm ra những giải pháp mới mà chưa ai từng làm…”.
Câu chuyện cứ bị ngắt quãng mỗi khi món mới được mang ra. Ông luôn muốn biết tên, nguyên vật liệu và những câu chuyện nhỏ ẩn trong từng món ăn, vì theo ông, trải nghiệm văn hóa thông qua ẩm thực là… rất hạnh phúc. Ông lại kể về hành trình cùng vợ và con mình đi vòng quanh thế giới, nói nhiều thứ tiếng khác nhau và nhìn ngắm cuộc sống theo nhiều chiều kích khác nhau. Nadav nói có vẻ tự hào: con gái tôi 5 tuổi, khoe hồi chiều mới đi chùa lễ Phật. Tôi đồ rằng nguyên cái xứ Israel không đứa con nít nào biết chùa hay Phật đâu, vì tụi nhỏ chỉ quanh quẩn ở quê mình chứ ít được đi nhiều, thấy nhiều và trải nghiệm nhiều. Thành ra nhớ đi nhiều nhiều lên, vì biên giới vật lý vẫn còn, nhưng biên giới tâm lý thì phai nhạt nhiều rồi…
Hôm sau, Nadav đến gặp các nhóm khởi nghiệp Đà Nẵng, kèm theo hai món quà khác: Lời khuyên đầu là ráng theo đuổi các chương trình học về khoa học, công nghệ, mà ông sẽ nỗ lực mang nhiều hơn từ Việt Nam sang Israel và ngược lại. Sau, ông bảo điểm hạn chế nhất của người Việt trẻ mà ông từng gặp, là sự rụt rẻ. “Ở xứ tôi, các bạn bị thất bại cũng rất hào hứng hãnh diện bước ra trước đám đông và khoe như là một thành tích. Còn ở đây, các bạn lên chia sẻ câu chuyện thành công của mình mà cũng còn rụt rè và có phần nhút nhát, vậy là không được…”.
Ông Nadav Eschar, đại sứ Israel tại Việt Nam, phụ trách Lào. Sinh năm 1974 tại Jerusalem, tốt nghiệp chuyên ngành Quan hệ Quốc tế và Nghiên cứu Truyền thông tại trường Đại học Hebrew, Jerusalem. Bắt đầu làm việc tại Bộ Ngoại giao Israel tháng 1 năm 2001. Sau nhiều năm phụ trách công tác đào tạo tại Bộ Ngoại giao, ông học chuyên ngành Ngôn ngữ tiếng Trung Chinese-Mandarin (4 học kỳ), Normal University (ShiDa), Đài Bắc, Đài Loan và đảm nhiệm vị trí bí thư thứ hai, Cán bộ Chính trị và Báo chí, Đại sứ quán Israel, Bắc Kinh, Trung Quốc; Tham tán Chính trị, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Israel, Warsaw, Ba Lan; Trưởng phòng, Phòng Châu Âu, Vụ Quốc tế, Quốc hội Israel (Knesset) và Trưởng phòng, Phòng Các vấn đề Quốc tế 1 (Châu Á và Bắc Mỹ) Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, Bộ Ngoại giao trước khi sang Việt Nam. Ông sống cùng vợ và 3 con tại Hà Nội.