Trong bối cảnh mùa đông gọi vốn đang bao trùm toàn cầu, các công ty khởi nghiệp Việt Nam vẫn huy động được số vốn đầu tư 529 triệu USD trong năm 2023.
Số vốn này giảm 17% so với năm trước đó, tuy nhiên, so với mức giảm 35% trên toàn cầu, mức giảm này cho thấy Việt Nam vẫn vững vàng trước rất nhiều thách thức trên thị trường vốn, theo đánh giá của Do Ventures và NIC trong
Báo cáo Đổi mới Sáng tạo & Đầu tư Công nghệ Việt Nam vừa công bố hồi cuối tháng Tư
Số thương vụ được đầu tư của Việt Nam giảm 9%, xuống còn 122 thương vụ. Ở thị trường toàn cầu, con số này giảm mạnh gấp nhiều lần, khoảng 27%.
Điều đó cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn trong bối cảnh mùa đông gọi vốn.
Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam giữ vững vị trí thứ ba cả về số thương vụ đầu tư và về tổng giá trị đầu tư, trong khi Singapore dẫn đầu và theo sau là Indonesia.
Đặc biệt, vào nửa cuối năm 2023, số thương vụ đầu tư vào các công ty công nghệ Việt Nam tăng lên so với nửa đầu năm. Tuy nhiên, do quy mô thương vụ nhỏ hơn nên tổng giá trị đầu tư trong nửa cuối năm thấp hơn so với nửa đầu năm (219 triệu USD so với 310 triệu USD).
Tỉ trọng phân phối các thương vụ ở giai đoạn đầu (pre-A) và giai đoạn sau (series A, B, C+) hầu như không thay đổi so với năm trước. So với năm 2022, các thương vụ có giá trị trên 10 triệu USD có tỉ trọng lớn hơn một chút, chiếm 69% tổng vốn đầu tư.
Số liệu thống kê cho thấy nhà đầu tư lạc quan đối với các thương vụ giai đoạn đầu. Số thương vụ trong phạm vi từ 0,5 triệu USD - 3 triệu USD chứng kiến mức giảm ít nhất, cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn ổn định với sự ra đời và hoạt động gọi vốn của các công ty mới.
Số thương vụ từ 3-10 triệu USD giảm mạnh nhất, theo sau là số thương vụ trên 50 triệu USD.
Trong khi giá trị trung vị các khoản đầu tư ở Series A có dấu hiệu tăng (từ 5 triệu USD năm 2022 lên 6 triệu USD năm 2023) thì giá trị trung vị của các khoản đầu tư ở Series B bị giảm xuống (từ khoảng 25 triệu USD năm 2022 xuống còn 14.5 triệu USD năm 2023).
Báo cáo nhận xét rằng tình hình này có thể do các công ty series B chọn gọi vốn với số tiền nhỏ hơn hoặc chọn gọi vốn theo từng đợt để giảm pha loãng trong thời kỳ giá trị định giá bị thấp đi.
Y tế, dịch vụ tài chính và giáo dục là các lĩnh vực nhận được số vốn đầu tư chính cao nhất trong năm 2023. Các lĩnh vực nhân sự và du lịch/khách sạn cũng chứng kiến mức đầu tư tăng mạnh so với năm trước.
Năm 2023, gần 100 quỹ đã rót vốn vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam. Singapore dẫn đầu với vai trò là nhà đầu tư tích cực nhất (22 quỹ), xếp thứ hai là các nhà đầu tư nội địa của Việt Nam (21 quỹ).
Các nhà đầu tư tích cực nhất trong năm ngoái tính theo số thương vụ là Anter, TNB Aura, DO Ventures, Ascend Vietnam Ventures, AiViet Venture và Touchstone Partners
Cập nhật chính sách
Năm 2023, chính phủ đã có những bước tiến đáng kể trong việc tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho các công ty khởi nghiệp và thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại một số trung tâm khởi nghiệp.
Cụ thể, TP Hồ Chí Minh được phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù thông qua Nghị quyết 98/2023/QH15, từ đó có thể triển khai các sandbox và cơ chế khuyến khích đầu tư khác nhau.
Tương tự, Hà Nội đang nỗ lực đưa các cơ chế liên quan đến đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vào Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi (dự kiến trình Quốc hội vào tháng 6/2024).
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia NIC cũng được tạo điều kiện để đẩy nhanh quá trình hoàn thiện cơ sở vật chất và hoạt động hiệu quả hơn nhờ việc sửa đổi Nghị định số 94/2020/NĐ-CP. Theo đó, NIC sẽ có thêm chính sách hỗ trợ các thủ tục hành chính liên quan đến gia nhập thị trường, thông tin sở hữu trí tuệ và thủ tục thuế; miễn giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại NIC; cho phép thị thực nhập cảnh nhiều lần và mở rộng thời gian lưu trú cho người nước ngoài khi làm việc tại NIC và gia đình của họ; đơn giản hóa thủ tục đầu tư và kinh doanh cho các doanh nghiệp đặt trụ sở tại NIC.
Ngoài ra, Việt Nam sắp triển khai hai chiến lược lớn, Chiến lược phát triển ngành năng lượng hydro (phê duyệt vào tháng 2/2024) và Chiến lược phát triển ngành bán dẫn (dự kiến phê duyệt trong quý II/2024), tạo môi trường thuận lợi để các công ty đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này cất cánh.