Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2018) diễn ra trong hai ngày 12–13/7 tại Hà Nội, với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” với gần 50 gian hàng của các tập đoàn công nghệ hàng đầu

Các gian hàng tập trung giới thiệu những sản phẩm, giải pháp công nghệ hiện đại như: Hệ thống sản xuất tích hợp CIM, nhà máy thông minh, công nghệ nano, năng lượng tái tạo, công nghệ robot, nhà thông minh...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm gian trưng bày của Vinfast. Ông Võ Quang Huệ - Phó Tổng Giám đốc dự án Vinfast giới thiệu về robot phục vụ trong dây chuyền sản xuất.

Một robot được sử dụng trong nhà máy hàn thân vỏ xe ô-tô của Vinfast.

Điểm nhấn của Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 năm nay là sự góp mặt của công dân robot Sophia. Robot Sophia duyên dáng trong tà áo dài màu trắng trao đổi về các vấn đề phát triển bền vững và tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Khách tham quan đến ‘thăm’ nhà máy turbin của Tập đoàn Siemens tại Đức thông qua kính thực tế ảo.

Mô hình vệ tinh MicroDragon (tỷ lệ 1:1) có kích thước 50x50x50cm, dự kiến được phóng vào cuối năm 2018 với nhiệm vụ thử nghiệm truyền thông; đo đạc thông số vệ tinh và môi trường vũ trụ; chụp ảnh Trái đất được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư, nghiên cứu viên trẻ của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Khách tham quan thích thú‘chơi đùa’ với robot có tính năng cảm ứng, có thể cảm nhận và tương tác với sự chuyển động của cơ thể. (Sản phẩm của FPT).

Lá nhân tạo (vật thể màu đen trong bình chứa) đang được nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Lá nhân tạo là một thiết bị có khả năng chuyển hóa năng lượng mặt trời thành năng lượng hóa học tích trữ trong nhiên liệu H2 thông qua quá trình quang phân tách nước biển, có hiệu suất tạo H2 là 3%, có khả năng làm việc ít nhất 10h, được chế tạo từ các vật liệu cơ bản như Si, Co, W, Mo. Đặc biệt, lá nhân tạo được chế tạo nhờ một quá trình “tự gắn kết xúc tác” đơn giản dưới ánh sáng mặt trời, có khả năng mở rộng chế tạo lượng lớn.

Robot thông minh hỗ trợ phát triển kỹ năng trẻ em Captain Eye của Công ty Virobo. Captain Eye ứng dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI), có kết nối Bluetooth, wifi giúp đo khoảng cách, nhận diện chuyển động bằng cảm biến siêu âm. Đồng thời robot này còn tích hợp đồng hồ, âm thanh, giọng nói, kết nối và truyền dữ liệu trên điện thoại bố mẹ bằng Bluetooth, wifi….

Captain Eye phát hiện các tư thế ngồi sai, nhắc nhở bằng hình ảnh, âm thanh, nhằm hạn chế bệnh về cột sống (gù lưng), cận thị. “Khi con sai hoặc bị lỗi Captain Eye sẽ tự động nhắc bằng hình ảnh, âm thanh, con sẽ chủ động, tự giác điều chỉnh, sửa lỗi. Quá trình diễn ra liên tục, hằng ngày dần dần con sẽ hình thành những thói quen tốt, giúp con tự tin bước vào đời” - Giám đốc Virobo Nguyễn Hữu Cường nói.