Nhiều thành tựu từ lĩnh vực khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam đã được trưng bày tại triển lãm trong khuôn khổ lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 và kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tham dự sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức vào ngày 15/5 có Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ban, ngành cơ quan Trung ương và địa phương; các tổ chức quốc tế, tổ chức chính trị, xã hội; các doanh nghiệp, viện, trường, tập đoàn kinh tế trong và ngoài ngành; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ qua các thời kỳ.

Trước sự kiện, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ban, ngành đã tham quan các gian hàng thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, khí tượng thủy văn, khoa học xã hội,... với các sản phẩm đến từ nhiều viện nghiên cứu và doanh nghiệp như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện nghiên cứu Kinh thành, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn Trường Hải (THACO),...

Thủ tướng xem mô hình phục dựng 3D kiến trúc điện Kính Thiên.

Trên cơ sở các nguồn tư liệu khảo cổ học tin cậy - đặc biệt là kết quả từ các nghiên cứu so sánh với kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á, nghiên cứu mặt bằng nền móng, bộ khung giá đỡ mái, hình thái bộ mái, các loại ngói lợp mái - các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Kinh thành đã giải mã và phục dựng 3D thành công hình thái kiến trúc điện Kính Thiên.

Thủ tướng nghe giới thiệu về hoạt động của một doanh nghiệp. Theo Bộ KH&CN, t
rong lĩnh vực công nghiệp, giá trị sản phẩm công nghệ cao hoặc có ứng dụng công nghệ tăng từ 26% vào năm 2010 lên hơn 40% vào năm 2019. Việt Nam đã làm chủ công nghệ, chế tạo thành công nhiều thiết bị, dây chuyền sản xuất, chủng loại vật liệu mới với tỉ lệ nội địa hóa cao, phục vụ phát triển ngành cơ khí chế tạo, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp…

Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên của Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới; nhiều thành tựu KH&CN hiện đại được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin, xây dựng. Với vị trí dẫn đầu trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của cả nước, tại gian hàng triển lãm, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Namđã giới thiệu một số sản phẩm KH&CN nổi bật ở các lĩnh vực như công nghệ vũ trụ, công nghệ sinh học, công nghệ phun phủ kim loại có tính ứng dụng khoa học thực tiễn cao.

Mô hình trong ảnh là kết quả thuộc đề tài cấp nhà nước: “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ khí sinh học tiên tiến phát điện và sử dụng bùn thải sau khi lên men yếm khí để sản xuất phân bón hữu cơ phát triển nông nghiệp sạch tại Đắk Lắk” do PGS.TS. Đỗ Văn Mạnh, Viện Trưởng Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) làm chủ nhiệm. Theo Viện hàn lâm, đề tài sử dụng công nghệ phân hủy yếm khí và thu hồi khí sinh học trên đối tượng bùn thải phát sinh từ hoạt động sản xuất và xử lý nước nhằm tạo ra năng lượng và các sản phẩm có giá trị. Nhờ đó, bùn thải từ các nhà máy bia, mía đường,... có thể được tận dụng để phát điện và sản xuất phân bón vi sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

KH&CN đóng góp hơn 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; góp phần quan trọng nâng giá trị gia tăng của nhiều sản phẩm nông nghiệp.

Một số giống lúa nổi bật của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Trong đó, giống lúa Gia Lộc 601 (ngoài cùng bên trái) có thời gian sinh trưởng vụ xuân 130-135 ngày, vụ mùa 102-105 ngày. Cây gọn đẹp, hạt thóc màu vàng sáng, tỷ lệ gạo xát đạt 68,97%, độ bền thể gel cứng; gạo trong, hàm lượng amylose 29,84%, thích hợp cho chế biến bún mì. Năng suất vụ xuân đạt 55,8-76,0 tạ/ha, vụ mùa đạt 50,05-56,07 tạ/ha.