Chim ăn rắn (diều ăn rắn) có tên khoa học là Sagittarius Serpentarius. Đây là loài chim săn mồi sống chủ yếu ở châu Phi.
Chim ăn rắn có cơ thể giống đại bàng và chim ưng cùng đôi chân dài như chân sếu. Chiều cao của diều ăn rắn lên đến 1,3m, dài 112-150cm, sải cánh 200-225cm với cân nặng trung bình 3,3kg.
Mỏ của diều ăn rắn con giống hệt chim ưng, đuôi có 2 lông trung tâm dài. Chúng có lông đùi và lông đuôi màu đen, phần lông còn lại của cơ thể màu xám. Xung quanh viền mắt của chim trưởng thành có màu đỏ. Điều đặc biệt, chim ăn rắn có những chõm lông đen dựng lên rất ấn tượng.
Diều ăn rắn ưa thích sống ở các đồng cỏ thoáng đãng và các xavan hơn là rừng và những nơi có cây bụi rậm rạp. Ban đêm chúng thường đậu trên các cây keo thuộc chi Acacia để nghỉ ngơi còn ban ngày chúng dành trọn thời gian để đi lại trên mặt đất để kiếm ăn.
Con mồi của diều ăn rắn bao gồm côn trùng, thú nhỏ, thằn lằn, rắn, chim non, trứng chim và đôi khi cả động vật chết trong các vụ cháy rừng. Chim non được nuôi bằng thức ăn hóa lỏng và các côn trùng do chim cha mẹ ựa ra để mớm mồi và sau đó thì được nuôi bằng các mẩu thịt thú nhỏ hay bò sát do chim cha mẹ ựa vào tổ khi tới giai đoạn "cai sữa". Nguồn thức ăn này được chim cha mẹ lưu trữ trong diều.
Diều ăn rắn thường làm tổ ở độ cao từ 5-7m trên các cây keo. Cả chim trống lẫn chim mái đều tới nơi làm tổ khoảng nửa năm trước khi đẻ trứng. Tổ rộng khoảng 2,5m và sâu 30cm, được làm như một cái chậu đáy phẳng gồm các que củi. Diều ăn rắn đẻ 2-3 trứng hình ô van, màu xanh lục nhạt trong vòng 2-3 ngày, mặc dù quả thứ ba gần như ít khi nở hay con non này hiếm có cơ hội sống sót. Trứng được chim mái ấp là chủ yếu trong khoảng 45 ngày thì nở.
Chim non còn lông tơ có thể tự kiếm ăn sau khi nở 40 ngày, nhưng chim cha mẹ vẫn tiếp tục nuôi chúng sau thời điểm đó. Cả chim bố lẫn chim mẹ cùng nuôi chim con. Khoảng 60 ngày thì chim non bắt đầu vỗ cánh và khoảng 65-80 ngày thì chúng có thể ra ràng. Sự ra ràng của chúng bao gồm việc nhảy ra khỏi tổ hay rơi có kiểm soát phần nào xuống mặt đất bằng cách vỗ cánh liên tục. Sau thời gian đó, chim non nhanh chóng học được cách săn mồi thông qua những chuyến thám hiểm cùng chim bố mẹ và chỉ một thời gian ngắn sau đó chúng đã kiếm ăn độc lập hoàn toàn.
Lương Ngọc (Tổng hợp)