Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp, nông, lâm nghiệp và thủy sản hầu hết đều sụt giảm. Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn, bất ổn do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu dẫn đến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào bị gián đoạn.

Theo Tổng cục Thống kê, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 7 tháng qua có chiều hướng giảm sâu hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: Đường kính giảm 23,1%; ô tô giảm 22,3%; bia giảm 14,9%; dầu thô khai thác giảm 14,1%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 10,3%; sắt thép thô giảm 9,3%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 8,8%; xe máy giảm 7,7%; quần áo mặc thường giảm 7,1%; điện thoại di động giảm 6,3%;…

Tương tự với sản xuất công nghiệp, nền nông nghiệp cũng vấp phải rất nhiều khó khăn. Tiến độ gieo cấy lúa mùa năm nay chậm hơn cùng kỳ năm trước chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng và khô hạn. Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương hoàn thành công tác gieo cấy lúa mùa, các trà lúa đã cấy phát triển tương đối tốt, diện tích trà lúa sớm đang trong giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh. Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài gây hạn hán ở một số địa phương, ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng lúa.

Thời tiết liên tục nắng nóng cũng ảnh hưởng đến sản xuất lâm nghiệp.

Tín hiệu khả quan

Bên cạnh những khó khăn trên, báo cáo đồng thời cũng cho thấy những tín hiệu tích cực nhờ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và kế hoạch phục hồi nền kinh tế nước ta sau dịch bệnh Covid-19.

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát tốt, hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cơ bản trở lại trạng thái bình thường. Các dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng bảy và 7 tháng năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Khu vực kinh tế trong nước là điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu 7 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu đạt 50,76 tỷ USD, tăng cao 13,5%; nhập khẩu đạt 61,86 tỷ USD, tăng 1,5%. Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng ước tính xuất siêu 6,5 tỷ USD.

Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 7/2020 tiếp tục xu hướng tăng trở lại nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa, cùng với các gói hỗ trợ của Chính phủ giúp người dân giảm bớt gánh nặng chi tiêu, đồng thời đây cũng là tháng học sinh, sinh viên trong kỳ nghỉ hè nên nhiều gia đình tổ chức đi du lịch trong nước.

Tuy nhiên, với việc dịch Covid-19 vừa tái bùng phát ở cộng đồng tại nhiều địa phương ở Việt Nam hiện nay, các chỉ số kinh tế - xã hội này vẫn sẽ tiếp tục biến động trong thời gian tới.

Dưới đây là những số liệu công bố chính thức:


Số liệu thống kê 7 tháng đầu năm 2020. Nguồn: Tổng cục Thống kê