Ruộng bậc thang gắn liền với lịch sử và văn hóa cư trú của các tộc người Hmông, Dao, La Chí, Nùng… trên địa bàn các huyện Sapa (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái) và Hoàng Su Phì (Hà Giang)…

Ban đầu chỉ hình thành dưới chân núi để chủ động nguồn nước tưới, nhưng về sau khi dân số tăng lên, đồng bào bắt đầu khai khẩn ruộng bậc thang cao dần lên đỉnh núi.

Tuy nhiên, theo đánh giá từ TS Bùi Hữu Tiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Nhân học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, canh tác ruộng bậc thang không đơn giản chỉ là một phương thức mưu sinh, mà còn thực sự là “một kho di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số vùng cao với nhiều tri thức kỳ thú, từ chuyện ‘khai sơn phá thạch’, dẫn nguồn nước vào ruộng, gieo trồng, thu hoạch…, tới các nghi lễ cầu mùa pha trộn giữa sắc thái huyền ảo và linh thiêng”.

Bị hấp dẫn bởi những câu chuyện lôi cuốn về ruộng bậc thang, đặc biệt là những cảm hứng từ cuốn sách “Ruộng bậc thang ở Việt Nam – bảo tồn và phát triển bền vững” của TS Nguyễn Trường Giang - Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2017 Bảo tàng Nhân học của TS. Bùi Hữu Tiến từng tổ chức một cuộc triển lãm với chủ đề “Đối thoại với di sản ruộng bậc thang”. Dưới đây là một số thông tin được tổng hợp từ tư liệu của Bảo tàng Nhân học, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ruộng bậc thang - kỳ quan Tây Bắc. Ảnh: Bình Phạm

Nông lịch là thời gian để những cư dân canh tác ruộng bậc thang như người Hmông, Dao ở Sa Pa và Mù Cang Chải sắp xếp những công việc đồng áng cho phù hợp với thời tiết và nhận thức của họ đối với quy luật thay đổi của thiên nhiên thông qua việc quan sát các dấu hiệu của tự nhiên như sự biến đổi của các loại cây cỏ và các hoạt động của một số loại động vật mà người dân sắp xếp công việc trồng lúa của mình cho phù hợp.

Hoa “tớ dày”, còn gọi là hoa đào Hmông hay đào rừng. Người Hmông có câu: “Làm mùa xem hoa tớ dày/ Xây lứa đôi xem bàn tay”.

Cấu phần quan trọng nhất của ruộng bậc thang chính là những bờ ruộng, nơi phân định các thang ruộng, giữ nước và tạo hình cho vẻ đẹp mềm mại, uyển chuyển của ruộng bậc thang. Nhìn xa, bờ ruộng như những đường chỉ nhỏ nổi bật lên giữa các gờ ruộng nhưng lại gần, bờ ruộng cao từ 30cm trở lên, có nơi cao đến cả mét. Bờ ruộng bậc thang thường dày hơn bờ ruộng ở đồng bằng để chống sụt lở, vỡ thành khi mùa nước đổ. Độ dốc càng lớn thì chiều cao giữa ruộng trên và ruộng dưới càng cao, bờ ruộng được làm một cách cẩn thận để có thể giữ nước trong ruộng được lâu dài.


“Cày ruộng là công việc gian nan, vất vả, đòi hỏi sức khỏe và sự khéo tay của trai tráng để điều khiển con trâu, lách lưỡi cày lật từng thớ đất rắn xung quanh những tảng đá, gốc cây trên mảnh ruộng hẹp như cái bụng con ngựa gầy, chênh vênh”. - ông Giàng An Dính, Người Hmông, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái nói.


Khi cây mạ có từ 4-5 lá, người dân tiến hành nhổ mạ. Người nhổ mạ cũng phải có kỹ thuật: Dùng tay phải tóm phần ngọn, tay trái tóm phần gốc sao cho rạp khóm mạ xuống rồi giật về phía mình. Mạ nhổ lên thì rũ gốc mạ vào nước cho sạch đất để khi cấy mạ chóng bén rễ. Sau đó, mạ được bó thành bó và rải mạ luôn trên ruộng thành từng khóm.


Đến mùa lúa chín, nếu như người Kinh bó thành bó lúa đem về nhà tách hạt bằng máy tuốt lúa rồi mới phơi khô, thì với người Hmông, lúa được cắt phơi trên nương từ 1-3 ngày, sau đó cho vào “thùng gỗ” (Pẳng thúng) để đập, nhằm tách hạt thóc ra khỏi rơm và tổ chức đập ngay tại ruộng. Rơm phơi khô được gom thành bó, dùng làm thức ăn cho trâu vào mùa đông.


Người Hmông, Dao ở Sa Pa, và Mù Cang Chải rất chú trọng gìn giữ, bảo tồn nhiều giống lúa truyền thống, gồm giống lúa tẻ và lúa nếp. Hạt giống cũng được coi như tài sản chuyển giao từ bố mẹ sang con cái hoặc anh em chung huyết thống. Việc bảo tồn các giống lúa địa phương có sự khác nhau giữa các xã trong vùng và các hộ gia đình. Điều này phụ thuộc vào số lượng các vùng đất có thể canh tác các giống lúa thích hợp, các yêu cầu về thực hành tín ngưỡng cũng như nhu cầu ăn uống.

Lúa nếp nương râu dài của người Hmông vùng Sơn La.