Vừa qua, Sở KH&CN Thái Nguyên phối hợp với UBND xã La Hiên đã tổ chức hội thảo Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể Na La Hiên.
Tới tham dự hội thảo có hơn 100 đại biểu thuộc Phòng Quản lý chuyên ngành Sở KH&CN, Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Võ Nhai, UBND xã La Hiên và các hộ trồng na trên địa bàn xã.
Tại đây, các đại biểu được phổ biến các kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ và giới thiệu các nội dung phục vụ việc xây dựng nhãn hiệu tập thể “Na La Hiên”.
Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và lựa chọn được mẫu thiết kế dùng cho nhãn hiệu tập thể “Na La Hiên”, thông qua được bản đồ quy hoạch vùng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Na La Hiên”, Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Na La Hiên”.
Sở Khoa học và Công nghệ cho biết sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để sớm hoàn thiện hồ sơ để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể “Na La Hiên” tại Cục Sở hữu trí tuệ trong tháng 3/2017.
Na được trồng ở đất vùng cao La Hiên từ cuối những năm 90, lúc đầu chủ yếu được người dân địa phương trồng ở chân núi đá theo kiểu quảng canh. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, cây na đã đặc biệt thích ứng với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất hang, đất ven núi đá, cây lớn nhanh, cho quả sai. Đặc biệt, chất lượng na La Hiên mang hương vị đặc trưng với vỏ mỏng, ít hạt, thịt dày, vị đậm thơm.
Hiện, na được trồng ở 8/16 xóm trong xã nhưng tập trung chủ yếu ở Hiên Minh, Hiên Bình, Làng Lai, La Đồng. Tổng diện tích na toàn xã là 230ha, trong đó 200ha đã cho thu hoạch. Mỗi năm, La Hiên cung cấp cho thị trường khoảng 2.700 tấn na với giá bán dao động trong khoảng 18.000đ - 30.000đ/kg. Đây được coi là cây thoát nghèo của vùng đất núi.
Hiền Thảo (tổng hợp)