“Đời người, chuyện được mất thật khó biết trước được hay dở. Như mình đây chẳng hạn…” - A Hình, dân tộc Xê Đăng, người được mệnh danh là “Vua sâm” ở thôn Đăk Song, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) mở đầu câu chuyện bằng một nụ cười ẩn chứa nhiều ý nghĩa….
A Hình từng thay cha làm liên lạc cho bộ đội trong kháng chiến chống Mỹ; được ra miền Bắc đi học, làm nghiên cứu sinh tại Tiệp Khắc rồi về làm ở ngành thương nghiệp huyện Đăk Tô và cuối cùng là làm Chủ tịch Hội ND xã Tê Xăng…
Khách tham quan gian hàng trưng bày cây giống sâm Ngọc Linhcủa A Hình tại hội chơ thương mại tỉnh Kon Tum. Ảnh: Ngọc Tấn
Thế rồi, điều bất ngờ bỗng nhiên tới mà cho đến bây giờ, A Hình cứ ngỡ như trời đưa quý nhân xuống giúp… Năm 2009, giảng viên người Nhật ở Trường Đại học Đà Lạt làm đề tài khoa học về sâm Ngọc Linh. Biết Tê Xăng là một trong những cái nôi của cây sâm Ngọc Linh, thầy lên và mang theo 800 gốc cây giống tìm người trồng thực nghiệm. Không ai dám nhận. A Hình ngần ngừ mãi, cuối cùng đề nghị: “Nếu cây chết thầy không được bắt đền thì mới dám nhận”. Thầy người Nhật cười đồng ý, lại làm cho cả giấy cam đoan…
Việc gì mà chẳng “khởi đầu nan”. Dù số cây giống ban đầu chỉ thành công 50%, nhưng đã cho A Hình những kinh nghiệm hết sức quý giá. Từ một nửa số cây giống đó, giờ A Hình đã nhân lên thành 3.000 gốc sâm 7 năm tuổi… Chưa thu hoạch nên thật khó tính được giá trị vườn sâm của A Hình. Chỉ biết rằng, mỗi kg sâm Ngọc Linh tốt bây giờ có giá khoảng 150 triệu đồng. Mà chưa cần bán củ, chỉ bán lá thôi, mỗi kg lá tươi bây giờ cũng có giá 2 triệu đồng… Điều mà ít người còn được biết, ngoài danh hiệu “Vua sâm Tê Xăng”, A Hình còn là “vua” bời lời với con số khiến nhiều người giật mình: 40.000 gốc. Ngoài ra nhà còn trồng 3ha mì, chăn nuôi… Thế nhưng trong báo cáo thành tích xét tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016, A Hình chỉ khiêm tốn kê mức thu nhập sau khi đã trừ chi phí là 300 triệu đồng…
Làm ăn giỏi, con cái thành đạt (2 con A Hình đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định), điều khiến bà con ở Xê Tăng không kém phần thán phục là tấm lòng nhân ái của vợ chồng A Hình. Bình quân mỗi năm gia đình anh giải quyết việc làm cho 15 – 20 lao động; giúp 5 hộ thoát nghèo; cưu mang như người thân 3 cha con ông A Ty…
Theo Dân Việt