Ông Ngô Chí Vinh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bắc Giang - cho biết, sở đã chuyển giao cho người dân nhiều công nghệ tiên tiến trong sản xuất nấm như công nghệ nhân giống hạt, que với năng lực sản suất từ 800-1.000kg/ngày.
Đầu tư 2 đồng, lãi 1 đồng
Bà Đoàn Thị Cầu - thôn Vàng, xã Tiên Lục, chủ khu trồng nấm rộng trên 3.000m2 - cho biết: “Giống được mua tại Trung tâm Giống nấm Bắc Giang, đạt các điều kiện an toàn. Tôi đang áp dụng công nghệ mới như sử dụng lò hơi nhiệt, lò hấp thanh trùng nguyên liệu và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật từ xử lý nguyên liệu, làm bịch đến chăm sóc và thu hái”.
Ông Đỗ Vinh Thúy - thôn 4, xã Nghĩa Hưng, có 5.000m2 trồng nấm - cho biết ông đang cải tiến một số phương tiện sản xuất như máy xé bông phế liệu, máy trộn mùn cưa và sắp tới sẽ dùng quạt hút gió để nấm không bị mốc.
Ông chia sẻ: “Trước đây tôi làm nấm thủ công, năng suất rất thấp, rủi ro cao vì côn trùng, nấm mốc xanh. Từ khi có nhà cấy giống, lò khử vô trùng, năng suất cao hơn hẳn. Mỗi năm tôi đầu tư 800 triệu đồng thì lãi khoảng 400 triệu, hiệu quả hơn rất nhiều so với trồng rau, lúa”.
Công nhân đóng gói mùn cưa và các nguyên liệu trồng nấm vào bịch tại một cơ sở sản xuất nấm an toàn ở Lạng Giang. Ảnh: NV
Ông Nguyễn Văn Sỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang - đánh giá: “Từ khi áp dụng lò khử vô trùng, người dân mua được giống tốt, năng suất cao hơn hẳn, tỷ lệ nấm chuẩn đạt 70% (trước đây là 50%). Hiện Lạng Giang đã hình thành được vùng sản xuất nấm tập trung với 276 hộ tham gia, doanh thu hơn 23 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 15 tỷ đồng mỗi năm. Huyện đang khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ trong hợp tác xã trồng nấm áp dụng công nghệ tưới tự động để người lao động không trực tiếp tiếp xúc với nấm hoặc xây nhà lưới có nilông phủ kèm hệ thống làm mát nếu có điều kiện".
Nói về tương lai của nghề nấm Bắc Giang, ông Ngô Chí Vinh cho biết: “Chúng tôi phấn đấu đến năm 2020 đạt sản lượng 8.000-9.000 tấn/năm, giá trị khoảng 250 tỷ đồng. Chúng tôi sẽ xây dựng 12 mô hình cho chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu (trong đó 5 mô hình hợp tác xã, 7 mô hình sản xuất nấm ứng dụng công nghệ cao), tổ chức tập huấn kỹ thuật... với tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ trên 8,7 tỷ đồng”.
Khai thác, bảo vệ nhãn hiệu tập thể
Đầu năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN đã cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Nấm Lạng Giang” cho sản phẩm nấm cuả huyện này. Từ đó, số đơn đặt hàng từ các tỉnh tăng cao. “Sau khi được cấp nhãn hiệu nấm tập thể, huyện đã hỗ trợ bà con in bao bì, logo. Vì vậy, nấm ra thị trường nhanh hơn, đặc biệt là thị trường ngoại tỉnh” - ông Thúy cho biết.
Theo ông Sỹ, chỉ những hộ là thành viên của Hội Nấm Lạng Giang mới được dùng nhãn hiệu tập thể trên bao bì để giới thiệu sản phẩm. Sắp tới, huyện sẽ thiết lập và vận hành mô hình quản lý nhãn hiệu tập thể “Nấm Lạng Giang”, chuyển giao công nghệ nhân giống và sản xuất nấm thương phẩm cho nông dân.
Tuy nhiên, các hộ trồng nấm cũng đang phải đối mặt với một thách thức trong mùa ẩm, đó là hiện tượng cánh nấm bị nhớt do bọ nhớt, côn trùng chích hút sợi nấm xuất hiện nhiều, cản trở sự phát triển; khi một cành nấm vàng đi thì phải bỏ cả cụm. Ông Thúy cho biết: “Không thể phun hóa chất vì phải bảo đảm tiêu chuẩn nấm an toàn. Tôi đã dùng nhiều cách nhưng chưa khắc phục được”. Như nhiều hộ trồng nấm khác, ông Vinh rất mong muốn có sự hỗ trợ của địa phương và các nhà khoa học để giải quyết vấn đề này.