Nhờ vào điều kiện khí hậu độc đáo, cộng thêm việc sở hữu thổ nhưỡng có dạng đất cát pha phù sa cổ bồi tích… mà khu vực Bảy Núi là nơi thích hợp để giống lúa nàng Nhen thơm sinh trưởng và phát triển tốt.

Địa lý vùng Bảy Núi

Khu vực Bảy Núi nằm ở Tây Nam tỉnh An Giang, giáp biên giới với Campuchia, dài khoảng 30km, rộng khoảng 13km với phần lớn diện tích là núi và cụm núi (27 ngọn núi) cao khoảng 200-700m, cao nhất là núi Cấm (710m).

Cánh đồng lúa nàng Nhen. Ảnh: Báo An Giang.
Cánh đồng lúa nàng Nhen. Ảnh: Báo An Giang.

Nếu lấy điểm cực Bắc vùng Bảy Núi và quay theo chiều kim đồng hồ sẽ có một vùng đất nằm trong vành đai trong của các kênh: kênh Vĩnh Tế - kênh Trà Sư – kênh Tri Tôn – kênh Ninh Phước I – kênh chữ U - kênh Mới - kênh T6 – kênh 5 xã – kênh 20 – kênh Vĩnh Tế đem lại tính chất, chất lượng đặc thù cho sản phẩm gạo nàng Nhen Thơm.

Vùng Bảy Núi có địa hình bán sơn địa, có vùng đất không ngập lũ, kết cấu đất pha cát bao quanh chân núi được xem là nơi duy nhất trồng được giống lúa này nên có nhiều đặc điểm sinh học hoàn toàn khác với các giống lúa cao sản hiện nay. Lúa nàng Nhen chịu hạn tốt, ít bị sâu bệnh, không cần phải sử dụng nhiều phân vô cơ, sử dụng phân bò là chính, phát triển tốt dựa vào nguồn nước mưa tự nhiên.

Địa hình và thổ nhưỡng của vùng Bảy Núi

Nằm ở độ cao lớn hơn mực nước lũ hàng năm ở vùng tứ giác Long Xuyên nên đất ruộng trên ở Bảy Núi không được bồi đắp phù sa vào mùa nước nổi, nhưng bù lại đất không nhiễm phèn nặng, nhiễm mặn, không ngập úng.

Ruộng lúa nàng Nhen. Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Nông thôn.
Ruộng lúa nàng Nhen. Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Nông thôn.

Ngoài ra, do đất vùng Bảy Núi có thành phần cơ giới nhẹ, địa hình có độ dốc từ 30- 80, nghiêng dần từ Bắc xuống Nam về hướng Kiên Giang, vì vậy đất ruộng trên thoát nước nhanh. Với đặc điểm này, khi lúa vào đòng và chắc hạt, nàng Nhen thơm tuy ngã đổ nặng nhưng lúa không bị ngâm nước, không ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch.

Đất ruộng trên có cấu tạo chủ yếu là đất cát pha dạng phù sa cổ bồi tích, tầng mặt mỏng, thành phần dinh dưỡng nghèo, các nguyên tố vi lượng hiện diện ở hàm lượng thấp, nghèo mùn hữu cơ. Đất ít độc chất và kim loại nặng, không nhiễm phèn nặng, nhiễm mặn, độ pH có giá trị thích hợp cho cây lúa phát triển. Với điều kiện thổ nhưỡng này, chỉ với phân hữu cơ chủ yếu là phân bò bón lót, bón thúc đẻ nhánh, nuôi đòng, không phải loại lúa nào cũng cho gạo ngon và năng suất cao như nàng Nhen thơm Bảy Núi.

Khí hậu của vùng Bảy Núi

Khu vực địa lý nằm trong khu vực sinh thái Tây Nam Bộ có khí hậu nhiệt đới gió mùa, khí hậu Bảy Núi rất phù hợp với giống lúa nhiệt đới Indica nói chung, giống lúa Nàng Nhen Thơm Bảy Núi nói riêng.

Ngoài ra, đặc tính 2/3 thời gian sinh trưởng sống ở ruộng nước - là giai đoạn cây lúa nàng Nhen thơm cần cả mưa lẫn nắng, trong khi ở Bảy Núi, vào thời điểm này, mưa cũng đã vào mùa được 02 tháng, lượng mưa ổn định, độ ẩm không khí trung bình 80-85%/tháng, bảo đảm độ ẩm cho lá lúa và sự phát triển cây lúa.

Ngoài nhiệt độ, tổng tích ôn, tổng số giờ nắng và lượng mưa là 4 yếu tố có ảnh hưởng quan trọng đến cây lúa nàng Nhen thơm Bảy Núi, nhân tố gió cũng là yếu tố khí hậu góp phần thụ phấn cho cây. Lúa nàng Nhen Thơm Bảy Núi trổ bông vào cuối chế độ gió mùa Tây Nam, tốc độ gió 3m/s rất phù hợp cho việc thụ phấn nhờ gió và côn trùng, độ thụ phấn đạt 75-90%.

Như vậy, các yếu tố khí hậu của vùng Bảy Núi rất phù hợp cho cây lúa nàng Nhen thơm sinh trưởng và phát triển tốt.