Món ăn gắn với địa danh Vũng Tàu
Ở Vũng Tàu, du khách dễ dàng tìm thấy bánh khọt ở bất cứ chỗ nào, từ quán ăn bình dân cho tới một nhà hàng sang trọng. Cái lạ là bánh của mỗi quán lại có một hương vị riêng. Bà Đinh Thị Nga - quản lý nhà hàng bánh khọt Cô Ba Vũng Tàu - nói về sản phẩm của mình: “Gạo làm bánh phải là gạo trồng ở vùng Đông Nam Bộ, tôm mực rặt từ biển, rau sạch theo tiêu chuẩn có nguồn nhập riêng. Tất cả những nguyên liệu ấy cùng với bí quyết gia truyền hơn 50 năm đã cho ra thứ bánh khọt Cô Ba mềm, giòn, xốp, đậm đà, không ngấy dầu mỡ”.
Tiến sỹ (TS) Đàm Sao Mai - chủ nhiệm đề tài xác lập quyền, quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể Bánh khọt Vũng Tàu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - cho biết: “Bánh khọt truyền thống có vỏ làm từ hỗn hợp bột gạo, trứng gà, nước cốt dừa. Nhân bánh có thể là sò điệp, tôm tươi, thịt bằm, chả cá... Để làm vỏ bánh, người dân đem gạo ngâm từ 2-3 tiếng cho hơi mềm rồi đem xay, ủ qua đêm; khi chế biến thì thêm các thành phần khác. Bắc khuôn bánh (có thể làm từ inox, gốm...) lên bếp cho nóng, tráng một lớp dầu mỏng rồi đổ bột vào, lúc gần chín thì cho nhân lên trên mặt bánh rồi đậy nắp lại. Khi bánh chín, đầu bếp cho thêm chút dầu để dễ lấy bánh hơn”.
Bánh khọt Cô Ba nhân tôm. Ảnh: Đinh Nga
Cũng theo TS Mai, một chiếc bánh khọt ngon phải vừa giòn vừa dai, cái béo của bột gạo nước dừa hòa quyện với cái ngọt thịt tôm tươi. Khi ăn, bánh được cuốn cùng rau sống, chấm nước mắm chua ngọt. Nhiều người cho rằng, 50% cái ngon của bánh khọt đến từ nước chấm và sự tươi giòn của rau sống.
Mặc dù có mặt ở khắp Nam Bộ nhưng với du khách, bánh khọt dường như gắn liền với địa danh Vũng Tàu. Bánh khọt Vũng Tàu được đưa vào sách Kỷ lục châu Á với tư cách là một trong 12 món ăn Việt Nam đặc sắc nhất năm 2011, một trong 10 món ngon Việt Nam công nhận và xác lập kỷ lục năm 2012. Nó cũng lọt top các món ăn ngon nhất thế giới được bình chọn tại lễ hội Ẩm thực đường phố quốc tế ở Singapore năm 2013...
Nhãn hiệu tập thể chưa được coi trọng
Cuối tháng 3/2017, văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Bánh khọt Vũng Tàu” đã được trao cho Hợp tác xã (HTX) bánh khọt Vũng Tàu. Hiện có 12 cơ sở được sử dụng nhãn hiệu này. Ông Dương Thanh Long - đồng chủ nhiệm đề tài nghiên cứu về bánh khọt Vũng Tàu - kỳ vọng rằng khi nhãn hiệu tập thể bánh khọt Vũng Tàu được xác lập quyền, sản phẩm sẽ tăng giá trị và thương hiệu sẽ mạnh hơn so với bánh khọt ở những vùng khác.
Tham gia HTX, 12 cơ sở kinh doanh bánh khọt ở Vũng Tàu được quản lý chặt chẽ về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như hình ảnh sản phẩm phục vụ công tác quảng bá. Tuy nhiên theo bà Đinh Thị Nga, sự tuân thủ này đang có dấu hiệu bị lơ là: “Ban đầu khi mới tham gia xây dựng nhãn hiệu tập thể, các cơ sở đều chú ý tuân thủ hướng dẫn từ khâu sản xuất đảm bảo vệ sinh tới khâu làm thương hiệu, hình ảnh, đồng thời tích cực tham gia các chương trình giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, sau một thời gian thấy nhãn hiệu tập thể chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, các cơ sở đã bắt đầu lơ là, sao nhãng việc này, không còn tập trung như trước nữa”.
Như việc kinh doanh các sản vật nổi tiếng khác, những người làm bánh khọt ở Vũng Tàu cũng lo lắng về nạn nhái nhãn hiệu, nhưng không phải nhãn hiệu tập thể “Bánh khọt Vũng Tàu” mới được bảo hộ, mà là nhãn hiệu riêng của mỗi quán mà giá trị, uy tín đã được xây đắp từ nhiều năm trước, như bánh khọt Gốc vú sữa, bánh khọt Cô Ba, bánh khọt Cây đa, bánh khọt Cây xoài...
Bà Đinh Thị Nga chia sẻ: “Nhãn hiệu bánh khọt Cô Ba đã được đăng ký và bảo hộ rồi nhưng vẫn bị nhái rất nhiều. Chúng tôi chỉ có 4 chi nhánh, 1 ở Vũng Tàu và 3 ở TPHCM, nhưng đi Đồng Nai, Bình Dương đâu đâu cũng thấy người ta treo biển hiệu “Bánh khọt Cô Ba”, thậm chí ở Vũng Tàu cũng có quán nhái. Nhiều khách than phiền rằng họ ăn ở cơ sở này, cơ sở kia thấy chán quá, nhân viên của chúng tôi lại phải giải thích để khách không bị lừa bởi cái tên”.
Về giải pháp bảo vệ nhãn hiệu của quán, bà Nga cho biết: “Với những quán nhái ở gần, chúng tôi nhờ chính quyền can thiệp. Các quán nhái ở xa thì đành để tự sinh tự diệt. Khách ăn quen bánh nhà tôi sẽ biết vị, ăn chỗ lạ là thấy khác ngay. Những quán nhái thương hiệu, không có bí quyết, bánh không ngon, trước sau gì cũng phải đóng cửa”.