Đối chiếu với Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3974-84 về muối ăn, đặc điểm nổi bật của muối Bạc Liêu là độ mặn cao, độ ẩm thấp nên hạt muối khô ráo và chắc.
Muối ăn (Solar salt, tên gọi thông dụng trong đời sống người dân Việt Nam là muối) là một khoáng chất, được con người sử dụng như một thứ gia vị tra vào thức ăn. Đó là một chất rắn có dạng tinh thể, có màu từ trắng tới có vết của màu hồng hay xám rất nhạt, thu được từ nước biển hay các mỏ muối.
Thu hoạch muối. Ảnh: Quehuongngaymai.
Muối thu được từ nước biển có các tinh thể nhỏ hoặc lớn hơn muối mỏ. Trong tự nhiên, muối ăn bao gồm chủ yếu là clorua natri (NaCl), nhưng cũng có một ít các khoáng chất khác (khoáng chất vi lượng). Muối ăn là cần thiết cho sự sống của mọi cơ thể sống, bao gồm cả con người. Muối ăn tham gia vào việc điều chỉnh độ chứa nước của cơ thể (cân bằng lỏng).
Đối chiếu với Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3974-84 về muối ăn, đặc điểm nổi bật của muối Bạc Liêu là độ mặn cao, độ ẩm thấp nên hạt muối khô ráo và chắc. So với muối của các tỉnh như Nam Định, Thanh Hoá, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Sóc Trăng, muối Bạc Liêu có hàm lượng NaCl cao vượt trội, hàm lượng MgCl2 và CaSO4 thấp. Sự kết hợp giữa hàm lượng NaCl cao (độ mặn) và hàm lượng MgCl2 và CaSO4 thấp làm cho muối Bạc Liêu còn có đặc thù không có vị đắng.
Muối Bạc Liêu được phơi trên nền đất sét, do đó màu của muối có màu ánh hồng, khác hoàn toàn so với các khu vực sản xuất muối trên nền cát hoặc đất khác.
Phương Thảo - Hương Trang (Cục Sở hữu trí tuệ)