Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo quản thực phẩm đang là bước đi được nhiều tỉnh, thành thực hiện nhằm kéo dài thời gian bảo quản.

Theo tin từ Sở Khoa học và công nghệ Đắk Lắk, tỉnh này vừa tổ chức Hội đồng giao trực tiếp Đề tài Ứng dụng các hợp chất tự nhiên có hoạt tính kháng oxy hóa và ức chế vi sinh vật trong bảo quản trái bơ và chanh dây tại tỉnh Đắk Lắk. Đề tài do Viện Công nghệ Sinh học - Trường Đại học Tây Nguyên thực hiện.

Mục đích của việc sử dụng kết hợp bao sinh học và cao chiết cây thuốc nhằm tạo màng bao để làm giảm sự bay hơi nước và ngăn cản tiếp xúc với oxy từ bên ngoài, ức chế quá trình sinh ethylene; Kết hợp với thảo dược kháng oxy hóa, ức chế polyphenol oxidase và kháng vi sinh vật để kéo dài thời gian bảo quản cũng như chất lượng của trái bơ và tranh dây.

Ảnh minh họa.

Còn Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã nghiệm thu đề tài Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật tiên tiến kéo dài thời gian bảo quản thịt gà và thịt lợn tươi ở điều kiện nhiệt độ thường đảm bảo an toàn thực phẩm” mã số 01C-05/07-2015-2, chủ nhiệm đề tài là ThS Nguyễn Thị Hoàng Anh, Viện Chăn nuôi.

Đề tài đã xác định được các công thức bảo quản thịt gà tươi, thịt lợn tươi thích hợp ở nhiệt độ thường, kéo dài thời gian bảo quản 10 - 12 giờ sau giết mổ; xây dựng được 2 mô hình bảo quản bảo quản thịt gà tươi và thịt lợn tươi tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội với 5 cơ sở/mô hình, đã bảo quản và tiêu thụ được 3009.5 kg thịt lợn, 3522.6 kg thịt gà tươi. Chất lượng thịt được bảo quản tại các cơ sở tương đương với thời gian bảo quản trong phòng thí nghiệm. Sản phẩm thịt bảo quản được người tiêu dùng đón nhận.