Chất lượng và năng suất của cây vú sữa lò rèn Vĩnh Kim hoàn toàn phụ thuộc vào các công đoạn chăm sóc của bà con nông dân.
Hầu hết các vườn vú sữa đều có hệ thống tưới tiêu rất thuận lợi, có khả năng chủ động về tưới tiêu trong mùa khô và mùa mưa. Lúc cây còn nhỏ, các hộ nông dân tưới 1 lần/ngày trong các tháng nắng, phương tiện tưới là thùng vòi để tránh sự lung lay rễ. Từ năm thứ 2 trở đi, nhà vườn tưới định kỳ 1 - 2 lần/tuần trong các tháng nắng. Khoảng thời gian tưới từ 4 - 5 tháng.
Vườn cây vú sữa đều có bờ bao chắc chắn, tuy nhiên vẫn còn một số nơi còn thấp so với những năm nước lên cao. Khi lên mô thì độ cao của mô phải cao hơn mặt ruộng khoảng 50 - 80cm và độ cao mặt bờ phải bảo đảm cao hơn mực nước lúc nước cao nhất hàng năm.
Cây vú sữa là loại cây rất dễ tét nhánh hay lật gốc, đặc biệt đối với những vườn gần sông lớn. Loại cây thường được làm cây chắn gió chủ yếu là dừa.
Hàng năm cần bồi bùn vào mô trồng, nên phơi khô bùn sau khi vét mương rồi sau đó bồi vào mô. Công tác bồi bùn cần tiến hành thường xuyên hàng năm, ngay cả khi cây đã lớn và sau khi định hình mương liếp hoàn chỉnh. Việc vét mương bồi liếp vừa có tác dụng cải tạo hệ thống mương tưới tiêu, nâng cao dần mặt liếp, vừa có tác dụng cung cấp một phần dinh dưỡng cho cây vú sữa, công tác này thường được thực hiện trong mùa nắng.
Ảnh: Baomoi.
Vú sữa có thân giòn, bộ tán lớn nhưng có hệ thống rễ ăn cạn nên cây dễ đổ ngã. Ngoài việc trồng cây chắn gió xung quanh vườn, vú sữa cần được chống đở cành khi cây cho trái sai hay mưa bão. Dùng dây thừng nâng các cành có khuynh hướng tét nhánh vào thân chính hay dùng dây cố định cành, tuy nhiên nên tránh dây kẽm xiết chết cành và nên dùng dây mềm như vỏ xe để cột cành.
Trong chăm sóc, loại phân được sử dụng nhiều nhất là urêa, NPK, DAP. Lần bón phân thứ nhất là để làm gốc (xử lý ra hoa), nông dân thường bón urêa, DAP hoặc super lân, một số hộ có bón phân vi lượng hoặc KCl hay Ca(NO3)2. Lần bón phân thứ 2, nông dân thường bón urêa, NPK, DAP để tăng khả năng đậu trái. Lần thứ 3, 4 nông dân bón NPK để nuôi trái, một số hộ có bón thêm Ca(NO3)2 hoặc phân vi lượng.
Ngoài ra, cây vú sữa có rất nhiêu loại sâu bệnh, trung bình có khoảng 14 loại sâu bệnh phổ biến, đặc biệt là bệnh thối nhũn trái, bệnh đốm trái và héo khô trái. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh cho vú sữa là điều cần phải làm, tuy nhiên, người dân luôn tuân thủ các nguyên tắc về sử dụng thuốc từ sâu và bảo vệ thực vật nhằm đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của vú sữa.
Trong những năm đầu nên cắt tỉa bớt cành và sớm tạo tán cho cây. Chỉ để lại những cành phân bố đều theo các hướng, tạo cho cây có tán tròn đều và khống chế chiều cao cây.