Bộ tiêu chí do nhóm tác giả ở Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM xây dựng gồm 17 chỉ tiêu ngắn hạn và 18 chỉ tiêu dài hạn.

Thời gian qua, một số địa phương như Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng,… đã quan tâm đến vấn đề chuyển đổi mô hình tăng trưởng đô thị theo định hướng tăng trưởng xanh. Một số nơi đã ban hành chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Riêng TPHCM, đã có nhiều hội thảo, nghiên cứu về tăng trưởng xanh, nhưng đến nay vẫn chưa có chiến lược cụ thể nào để phát triển tăng trưởng xanh cho thành phố. Trong khi đó, sự phát triển nhanh về kinh tế và đô thị của TPHCM đang tạo áp lực đến môi trường. Do đó, TPHCM cần có cơ chế, chính sách phát triển theo hướng tăng trưởng xanh nhằm hạn chế tác động lên môi trường sống trong đô thị.

Hiện nay, chưa nghiên cứu nào tiến hành đề xuất xác định bộ tiêu chí để đánh giá và xây dựng đô thị tăng trưởng xanh của TPHCM. Vì vậy, nhóm tác giả Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đã thực hiện đề tài “Xây dựng áp dụng bộ tiêu chí đánh giá đô thị tăng trưởng xanh trong quản lý phát triển tại TPHCM”.

Trên cơ sở khái niệm, mô hình tương lai của đô thị tăng trưởng xanh, cũng như nghiên cứu một số mô hình tăng trưởng xanh thành công trên thế giới, nhóm nghiên cứu đưa ra 35 chỉ tiêu đánh giá đô thị tăng trưởng xanh ở TPHCM. Trong đó, có 17 chỉ tiêu ngắn hạn (có thể áp dụng ngay cho Thành phố) và18 chỉ tiêu dài hạn (phục vụ cho các đánh giá tổng thể sau này).

a
Tỷ lệ không gian xanh là một trong những chỉ tiêu đánh giá đô thị tăng trưởng xanh
Ảnh: Internet

Các chỉ tiêu được xây dựng trên 3 lĩnh vực - môi trường, kinh tế, xã hội - với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và sử dụng năng lượng tái tạo, xanh hóa phương thức sản xuất và thúc đẩy tiêu dùng ổn định,… Một số chỉ tiêu có thể kể đến như mật độ xây dựng, dân số, tỷ lệ không gian xanh đô thị, lượng phát thải khí nhà kính, tỷ trọng năng lượng tái tạo, tỷ lệ tái chế chất thải,…

Nhóm cũng đã áp dụng bộ tiêu chí (sử dụng 17 chỉ tiêu ngắn hạn) đánh giá đô thị tăng trưởng xanh trên một số quận của TPHCM như Quận 1, 3, 5, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình,… Theo đó, Quận 3 có chỉ số đô thị tăng trưởng xanh cao nhất; Hóc Môn đứng đầu về chỉ số môi trường xanh là huyện; còn Quận 1 đứng đầu về kinh tế xanh. Kết quả này giúp các nhà quản lý có cái nhìn bao quát và so sánh về mức tăng trưởng xanh giữa các lĩnh vực (môi trường, kinh tế, xã hội xanh), cũng như giữa các địa phương, đô thị khác nhau.

Bên cạnh đó, nhóm đề xuất một số giải pháp áp dụng các chỉ tiêu đánh giá đô thị tăng trưởng xanh như tổ chức thành lập một cơ quan chuyên trách về tăng trưởng xanh cho thành phố; xây dựng, hoàn thiện khung chính sách tài chính thúc đẩy đô thị phát triển tăng trưởng xanh cho từng ngành, từng quận huyện; xây dựng, ban hành bộ tiêu chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật về tăng trưởng xanh cho từng ngành của thành phố; khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho tăng trưởng xanh;…

Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu.