Đắk Lắk xác định những loài này cần được bảo tồn, nhân rộng mô hình trồng, nhằm phát triển thương hiệu và kinh tế địa phương.
Nấm linh chi là một dược liệu, được coi là loại thuốc quý, có tác dụng bảo vệ gan, giải độc, bổ não, tiêu đờm, phòng và chống ung thư, chống lão hóa, làm tăng tuổi thọ,... Nấm linh chi chứa nhiều hoạt chất như Polysaccharid, tác động trực tiếp đến các gốc tự do, ngăn chặn oxy hóa chất béo, tái tạo các tế bào suy yếu và loại bỏ tế bào chết; Triterpene tạo nên vị đắng đặc trưng,có tác dụng tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa và dạ dày, cải thiện dị ứng, kháng viêm và ngăn ngừa khối u phát triển; chất chống oxy hóa, các axit amin, vitamin, khoáng chất,…
Những năm qua, người dân Đắk Lắk bắt đầu quan tâm đến nghề trồng nấm. Tuy nhiên, các cơ sở trồng nấm phần lớn ở qui mô gia và chủ yếu trồng các loài nấm thông thường như nấm mèo, bào ngư, nấm rơm... Chỉ một số ít trang trại trồng nấm dược liệu như linh chi, hầu thủ.
Hiện chưa có nhiều công trình nghiên cứu triển khai nào về công tác bảo tồn, phát triển, khai thác hợp lý, bền vững cũng như xác định giá trị khoa học của các loài nấm dược liệu quí này ở Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Nhằm tuyển chọn, nuôi trồng và phát triển thành sản phẩm từ nấm và thương mại cho tỉnh Đăk Lắk, nhóm tác giả ở Trường Đại học Tây Nguyên đã thực hiện đề tài “Xác định giá trị khoa học của các loài nấm dược liệu thuộc họ Linh chi (Ganodermataceae) ở tỉnh Đắk Lắk và phát triển thành sản phẩm thương mại”.
Nhóm nghiên cứu đã thu thập 145 mẫu nấm linh chi thuộc họ Ganodermataceae. Qua quá trình phân loại và định danh, đã xác định được 19 loài, trong đó gồm 7 loài có giá trị dược liệu là Ganoderma applanatum, Ganoderma calidophilum, Ganoderma orbiforme, Ganoderma lucidum, Ganoderma fornicatum, Amauroderma exile, Amauroderma subresinosum. Đặc biệt, Ganoderma calidophilum là một trong 5 loài ghi nhận mới ở khu vực Tây Nguyên.
Nhóm cũng đã chiết xuất và xác định được hàm lượng triterpene và polysaccharide của cao chiết 7 loài nấm dược liệu nói trên. Hàm lượng triterpene cao nhất được ghi nhận ở loài Ganoderma lucidum, hàm lượng polysaccharide cao nhất ở loài Amauroderma subresinosum.
Thử nghiệm hoạt tính gây độc tế bào ung thư của 7 loài nấm thử nghiệm trên các dòng tế bào ung thư gan người (HepG2) và tế bào ung thư vú (MCF7) cho thấy: Cao chiết polysaccharide loài Ganoderma lucidum tự nhiên và nuôi trồng cho hiệu quả tốt nhất.
Kết quả thử nghiệm hoạt tính chống tăng sinh tế bào ung thư của 7 loài nấm thử nghiệm trên các dòng tế bào ung thư gan người (HepG2) và tế bào ung thư vú (MCF7) cho thấy: Cao chiết polysaccharide và triterpene loài Ganoderma lucidum tự nhiên và nuôi trồng cho hiệu quả tốt nhất. Thử nghiệm tác dụng điều trị tiểu đường (đánh giá hoạt tính ức chế enzyme α-glucosidase), của các mẫu cao chiết nấm cho thấy, loài Ganoderma applanatum và loài Ganoderma lucidum nuôi trồng thể hiện hoạt tính tốt nhất.
Ngoài ra, đề tài đã xây dựng được quy trình nhân giống và nuôi trồng một số loài nấm linh chi tiềm năng để làm nguyên liệu sản xuất chế phẩm. Đồng thời, xây dựng được quy trình công nghệ tạo chế phẩm chứa các hoạt chất sinh học cao từ nấm linh chi Đắk Lắk và quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm cao linh chi, rượu linh chi.
Kết quả nghiên cứu là căn cứ để phát triển các giống nấm linh chi dược liệu, có nguồn gốc tại tỉnh Đắk Lắk cho người dân nuôi trồng góp phần phát triền kinh tế tại địa phương. Theo nhóm nghiên cứu, tỉnh cần tiếp tục phát triển các sản phẩm tiềm năng như nấm linh chi, cao và rượu nấm linh chi; đồng thời mở rộng mô hình nuôi trồng và phát triển nguồn giống loài nấm linh chi Ganoderma lucidum tại địa phương và bảo tồn một số loài nấm có giá trị như Ganoderma applanatum, Amauroderma subresinosum.
Đề tài đã được sở KH&CN Đắk Lắk nghiệm thu, kết quả đạt.