Ngày 22/8 tại TPHCM, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ KH&CN) đã tổ chức hội thảo “Thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo khu vực phía Nam”.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chánh Văn phòng Bộ KH&CN, hiện nay Bộ KH&CN đang có các chương trình hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, cho phép ứng dụng nhanh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các Văn phòng đại diện của Bộ KH&CN tại các nước luôn sẵn sàng tương tác, lắng nghe nhu cầu của doanh nghiệp để tìm kiếm công nghệ phù hợp.
Ông Nguyễn Khánh Tùng - Phó Trưởng phòng Phòng Phát triển công nghệ, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo, cho biết thêm, từ năm 2018, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1851, phê duyệt đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Cũng theo ông Tùng, trong quá trình triển khai chương trình “Tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2030”, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã xây dựng một số bản đồ công nghệ tại Việt Nam, như chọn tạo giống và sản xuất lúa; gen; cơ khí nông nghiệp, ô tô; kết nối vạn vật, tế bào gốc, sản xuất vaccine cho người, sản xuất vật liệu và linh kiện điện tử, bán dẫn, sản xuất nhựa kỹ thuật và công nghệ in 3D, … Từ đó xây dựng lộ trình, giúp các doanh nghiệp có căn cứ để đổi mới công nghệ theo từng lĩnh vực.
Để hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo tại khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung được thiết thực, hiệu quả, thời gian tới, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẽ chủ động phối hợp với các Sở KH&CN triển khai một số nhiệm vụ cụ thể như hỗ trợ các địa phương tăng cường kết nối, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với các quốc gia, vùng lãnh thổ, thông qua các tổ chức có công nghệ trong nước và mạng lưới đại diện KH&CN Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, phối hợp, hướng dẫn đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất, xác định nhu cầu công nghệ trên một số lĩnh vực trọng điểm của các địa phương, từ đó có giải pháp hỗ trợ hoàn thiện công nghệ; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ cho các doanh nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong việc thu thập, đánh giá chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (PII);…
Qua triển khai thực tế các mô hình, bà Đặng Thị Hồng Yên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Dịch vụ khoa học công nghệ (Sở KH&CN Tiền Giang), cho rằng cần tạo lập và duy trì các mô hình thí điểm thành công về ứng dụng công nghệ mới, sau đó có đánh giá, điều chỉnh và nhân rộng mô hình để lan tỏa trong cộng đồng. Ngoài ra, bà Yên đề xuất xây dựng các nền tảng kết nối trực tuyến để người dân, doanh nghiệp, và tổ chức KH&CN dễ dàng trao đổi thông tin và hợp tác. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức các diễn đàn, hội thảo và sự kiện kết nối để các bên liên quan gặp gỡ, trao đổi ý tưởng.
Tại Hội thảo, một số công nghệ và giải pháp ngoài nước được giới thiệu, có thể chuyển giao cho các doanh nghiệp Việt Nam như công nghệ tiệt trùng cho thực phẩm ăn liền, công nghệ Proton cấp đông nhanh, giữ nguyên độ tươi của thực phẩm,công nghệ nghiền bột thông minh…