Ngày 23/8, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã ký chương trình hợp tác với Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Thành phố.
Theo đó, hai bên đẩy mạnh hợp tác ở bốn nội dung chính.
Thứ nhất, xây dựng, phát triển các công cụ, giải pháp, mô hình phục vụ công tác chuyển đổi số của Sở Văn hóa và Thể thao.
Thứ hai, đặt hàng nghiên cứu phát triển, hỗ trợ triển khai, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030.
Thứ ba, kết nối các chuyên gia đầu ngành trong mọi lĩnh vực, nhằm hỗ trợ thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030.
Và cuối cùng là triển khai chương trình ươm tạo các dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TPHCM, cho biết: “Việc hợp tác giữa Sở KH&CN và Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, góp phần nâng cao vai trò của KH&CN trong quá trình phát triển văn hóa - xã hội. Qua đó, gắn kết cơ quan quản lý và cộng đồng khởi nghiệp, tạo động lực thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực công cho ngành văn hóa”, ông Dũng chia sẻ.
Hiện TPHCM 17.670 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa, chiếm khoảng 7,74% số doanh nghiệp của toàn Thành phố, doanh thu đóng góp khoảng 3,98% GRDP của Thành phố, trong đó ngành quảng cáo có tỷ lệ đóng góp lớn nhất.
Thành phố đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp văn hóa đạt bình quân khoảng 14%/năm, doanh thu đóng góp khoảng 5,7% GRDP của Thành phố và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp văn hóa của Thành phố đạt bình quân khoảng 12%/năm, đóng góp khoảng 7-8% GRDP.
Từ cuối năm 2023, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 4853/QĐ-UBND, về phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030. Theo đề án, TPHCM lựa chọn tám lĩnh vực, ngành công nghiệp văn hóa để phát triển từ nay đến năm 2030. Cụ thể, gồm điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa và thời trang.
Việc thực hiện đề án chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 từ nay đến hết năm 2025, giai đoạn 2 từ năm 2026-2030. Trong giai đoạn 1, TPHCM tập trung phát triển trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước, thông qua việc đầu tư nguồn lực phù hợp, khuyến khích xã hội hóa, tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, có nhiều giá trị đóng góp vào GRDP của Thành phố gồm quảng cáo, thời trang, triển lãm, điện ảnh, du lịch văn hóa.
Cùng với đó, định hướng và từng bước phát triển các ngành nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh, mỹ thuật trở thành ngành dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố.
Trong giai đoạn 2, Thành phố tập trung phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Thành phố có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa của khu vực và thế giới; hỗ trợ xây dựng các mô hình đầu tư và kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo… Qua đó, xây dựng TPHCM trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Phấn đấu gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ở lĩnh vực điện ảnh.