Thông tin trên do PGS.TS Trần Minh Triết, Phó Chủ tịch Chi hội VNISA phía Nam, cho biết tại Hội thảo và triển lãm quốc tế An toàn thông tin khu vực phía Nam ngày 26/8 tại TPHCM.

Tại khu vực phía Nam, theo kết quả khảo sát năm 2022 của VNISA phía Nam tại 147 đơn vị cho thấy, nhu cầu về chương trình đào tạo, tập huấn về ATTT đang được các đơn vị rất quan tâm. Trong đó, hơn 30% số đơn vị cần đào tạo, tập huấn ngay về quản trị hệ thống thông tin, xây dựng chính sách ATTT, quản trị hạ tầng mạng, mã hóa, thám mã, tích hợp hệ thống ATTT, tư vấn thiết kế xây dựng hệ thống mạng an toàn, ... “Thời gian tới, con số này có thể lên đến hơn 50%”, GS Triết dự báo.

G
GS Trần Minh Triết trình bày kết quả khảo sát về ATTT khu vực phía Nam. Ảnh: KA

Cũng theo khảo sát, năm nay có khoảng 65% tổ chức đầu tư kinh phí cho ATTT dưới 5% trên tổng nguồn vốn đầu tư cho CNTT. Nhiều đơn vị không hoặc chưa có chủ trương thuê ngoài các dịch vụ về bảo đảm ATTT.

Theo GS Triết, bức tranh ATTT tại Việt Nam ẩn chứa nhiều nguy cơ ngày càng lớn. Dẫn nguồn Bộ Thông tin và Truyền thông, ông cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, tại Việt Nam đã có gần 7.000 cuộc tấn công mạng và hầu hết các cơ quan chưa kiểm tra, đánh giá ATTT mã nguồn trước khi đưa vào sử dụng phần mềm. Do vậy, mỗi tỉnh, thành cần có một kế hoạch chiến lược ATTT, phù hợp với chuyển đổi số của địa phương, khả thi với năng lực hiện có. Đồng thời, cần tổ chức thử nghiệm, diễn tập để hệ thống CNTT có thể tồn tại qua các sự cố lớn và phát triển nguồn lực, nâng cao trình độ dân trí, nhằm tạo ra thế hệ công dân số.

G
Giới thiệu một số công nghệ về ATTT tại Triển lãm Ảnh: KA

Đối với doanh nghiệp, theo GS Triết, cần đưa chuyển đổi số vào các hoạt động của từng tổ chức, hình thành nền kinh tế số an toàn và bảo mật. Bên cạnh đó, nên đầu tư đầy đủ cho ATTT để doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, mạnh hơn một cách bền vững; và quan tâm đến đội ngũ kỹ sư ATTT hoặc sử dụng thuê dịch vụ ATTT chuyên nghiệp để vững vàng hơn trước các thách thức về ATTT.