Ngày 29/5, tại Đại học Xây dựng Hà Nội (HUCE), bảy trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam đã khởi động dự án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, bắt đầu bằng việc hình thành một liên minh.

SInh viên và giảng viên sẽ được hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp trong nhóm 07 trường. Ảnh: BTC
Sinh viên và giảng viên sẽ được hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp trong nhóm 07 trường. Ảnh: BTC

Liên minh Đổi mới sáng tạo, Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Vietnam Innovation, Science and Technology Alliance – VISTA) ra đời sau gần một tháng thảo luận giữa bảy trường đại học kỹ thuật lớn của Việt Nam, gồm: Bách khoa TPHCM, Bách khoa Hà Nội, Bách khoa Đà Nẵng, Xây dựng Hà Nội, Giao thông - Vận tải, Thủy lợi, và Mỏ - Địa chất.

Trước đó, vào đầu tháng Năm, tại Cô Tô, Quảng Ninh, nhóm bảy trường đã ký hợp tác về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học, dưới sự chứng kiến của Bộ GD&ĐT.

Ngay sau đó, các trường đã tích cực cụ thể hóa các nội dung thỏa thuận bằng các hoạt động khác nhau. Một trong số đó là Dự án chủ điểm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, được Ủy ban Phát triển kinh tế Singapore (EDB) tài trợ và Bộ Ngoại giao Singapore bảo trợ.

Mục tiêu quan trọng của Dự án là thành lập Liên minh VISTA để chia sẻ tài nguyên và nguồn lực nhằm hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong trường đại học một cách hiệu quả nhất.

Dự kiến, các hoạt động của VISTA sẽ có sức ảnh hưởng tới 150.000 sinh viên của các trường thành viên.

Chấm dứt khởi nghiệp tự phát

Theo đánh giá của Liên minh VISTA, việc kết nối bảy trường không chỉ giúp sinh viên và giảng viên các trường có được môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động khởi nghiệp mà còn biến khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thành một hoạt động bài bản, hiệu quả, không còn mang tính tự phát, phong trào.

Trong lễ ra mắt ngày 29/5, VISTA đã ký thỏa thuận hợp tác với Outsider, startup có trụ sở tại Singapore, được đồng sáng lập bởi một người Việt Nam là Tô Hà Linh. Tô Hà Linh còn đang đảm nhận vai trò đồng sáng lập Mạng lưới lãnh đạo trẻ Singapore - Việt Nam.

Outsider cung cấp một nền tảng học tập dựa trên công việc giúp giáo viên, sinh viên và doanh nghiệp hợp tác trong các dự án thực tế.

Thông qua ký kết hợp tác, VISTA và Outsider sẽ triển khai dự án “Mô phỏng khởi nghiệp” trong giai đoạn 2024-2029, dành cho tất cả các giảng viên và sinh viên của nhóm bảy trường. Người tham gia sẽ được trang bị các kỹ năng, tư duy thiết kế và khả năng thích ứng với điều kiện làm việc thực tiễn.

Ký kết hợp tác giữa các trường thành viên trong liên minh VISTA và đối tác Outsider. Ảnh: BTC
Ký kết hợp tác giữa các trường thành viên trong liên minh VISTA và đối tác Outsider. Ảnh: BTC

Bên cạnh đó, VISTA và Outsider sẽ khởi động một cuộc thi hackathon cho sinh viên của các trường trong Liên minh. Cuộc thi năm nay dự kiến kéo dài từ tháng 7-10. Sinh viên sẽ lập nhóm, lên ý tưởng và được đào tạo để phát triển sản phẩm theo các chủ đề được công bố.

Về dài hạn, Outsider và VISTA sẽ cùng nhau kêu gọi nguồn lực từ sự hợp tác với các doanh nghiệp để thiết lập nguồn quỹ hỗ trợ giảng viên và sinh viên của các trường trong Liên minh khởi nghiệp sáng tạo.

Đại học Xây dựng Hà Nội (HUCE) được chỉ định làm đại diện điều phối việc hợp tác của Liên minh với Outsider.

Ngay trong buổi lễ 29/5, HUCE còn ký thêm sáu biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp khác nhau thuộc ngành xây dựng.

Trong số đó, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và Tập đoàn Vinaconex cho biết mỗi bên sẽ dành 1,5 tỷ đồng để tài trợ cho các dự án khởi nghiệp xuất sắc được lựa chọn.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Hoàng Tùng, Hiệu trưởng HUCE, nói rằng, thời gian gần đây, Chính phủ Việt Nam đang tích cực tạo ra các cơ chế, chính sách đặc thù - điển hình như Đề án 844 và Đề án 1665 - để thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Điều này tạo động lực cho các trường đại học phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của riêng mình, từ đó góp phần thúc đẩy hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Các đại biểu trao đổi tại Tọa đàm. Ảnh: Đề án 844
Các đại biểu trao đổi tại Tọa đàm. Ảnh: BTC

Trong khuôn khổ sự kiện còn có tọa đàm “Cơ chế thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp”, với các diễn giả gồm: ông Phạm Hồng Quất (Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN), PGS.TS. Nguyễn Hoàng Giang (Phó Hiệu trưởng HUCE), ông Lê Viết Hải (Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình), ông Jaya Ratnam (Đại sứ Singapore tại Việt Nam), và bà Tô Hà Linh (Đồng sáng lập startup Outsider).

Bằng kinh nghiệm và góc nhìn khác nhau, các diễn giả đã nêu bật những điểm cần lưu ý khi phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong trường đại học - đó là mức độ cam kết của lãnh đạo, cách thức thu hút nguồn lực, cơ chế tài chính, tạo không gian trải nghiệm cho sinh viên, và phát triển các mối liên kết liên ngành hoặc đa ngành để giải quyết những bài toán rất cụ thể trong xã hội.