Từ các nhiệm vụ KH&CN được ứng dụng, Sơn La đã đạt một số kết quả ấn tượng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển cây ăn quả trên đất dốc, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Tại Hội thảo “Báo chí với công tác truyền thông khoa học và công nghệ” diễn ra tại TP Sơn La vào ngày 17/7, ông Phạm Quang An, Giám đốc Sở KH&CN Sơn La, cho biết, từ năm 2016 đến năm 2019, Sở KH&CN Sơn La đã bàn giao 105 kết
quả nghiên cứu của đề tài, dự án KH&CN cho 30 đơn vị trên địa bàn
tỉnh. Như vậy, 70% số nhiệm vụ KH&CN đã được ứng dụng, duy trì và
nhân rộng.
Giám đốc Sở KH&CN Sơn La, ông Phạm Quang An cho biết tỉnh Sơn La đã và đang không ngừng nâng cao chất lượng các ấn phẩm thông tin KH&CN, đẩy mạnh truyền thông đại chúng trong những năm qua.
Theo ông An, Sơn La là tỉnh miền núi phía Tây Bắc, có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển nông nghiệp với các sản phẩm nông sản chất lượng cao.
“Đồng thời, với vai trò và vị thế là trung tâm của vùng Tây Bắc, Sơn La luôn nhận được sự quan tâm của Nhà nước cũng như các đơn vị nghiên cứu KH&CN trong giai đoạn thực hiện chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, nông thôn và miền núi.” Sở KH&CN Sơn La đã đóng vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, hỗ trợ hai bên trong suốt quá trình chuyển giao công nghệ. Nhờ đó, Sơn La đã đạt được một số thành tựu trong triển khai đề tài, dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển cây ăn quả trên đất dốc, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Ông An dẫn ra thí dụ, liên quan đến nghiên cứu về cây rau, hoa có mô hình sản xuất giống cà chua ghép và mô hình thâm canh cà chua ghép trái vụ tại Công ty cổ phần Greenfarm Mộc Châu. Hằng năm, công ty này cung cấp 3-4 triệu cây giống cho vùng đồng bằng Sông Hồng; mô hình sản xuất cà chua thương phẩm từ giống tiếp tục mở rộng, cung cấp sản phẩm cà chua an toàn cho chuỗi siêu thị ở Hà Nội.
"Đáng chú ý, có mô hình sản xuất rau trái vụ đạt tiêu chuẩn VietGAP và hoa chất lượng cao tại Công ty Cổ phần hoa nhiệt đới, giúp hình thành nghề trồng hoa và rau chất lượng cao tại địa phương, tạo việc làm ổn định, thu nhập cao cho hơn 150 lao động (bình quân khoảng 5-6 triệu đồng/người/tháng)" - ông An cho biết. Hiện tại, Công ty vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô trồng hoa lên tới 25ha, với doanh thu 1,5-2 tỷ ha/năm.
Ông Đinh Công Hưng (trái), phó giám đốc công ty cổ phần Trường Giang, đơn vị tham gia dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển một số giống xoài tại huyện Mai Sơn, Sơn La" cho biết dự án này đã góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Công nghệ trong bảo quản và chế biến nông sản như chế biến rượu vang Sơn Tra, rượu chuối, chuối sấy Yên Châu, sản phẩm rượu mận, mứt mận Mộc Châu, sản phẩm mật ong Sơn La, sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất nước mắm từ cá nước ngọt lòng hồ thủy điện... tiếp tục được duy trì. Hiện nay, công ty TNHH Bắc Sơn, đơn vị tham gia dự án "Xây dựng mô hình sản xuất các sản phẩm từ quả Sơn Tra tại huyện Bắc Yên" vẫn tiếp tục duy trì sản xuất các sản phẩm từ quả sơn tra, mỗi năm sản xuất được 90.000 lít rượu táo mèo, 10.000 lít rượu vang, lợi nhuận hằng năm lên tới 700 triệu đồng.
Nắm bắt lợi thế và lắng nghe nhu cầu của người dân
Để có được những kết quả quan trọng này, theo ông Phạm Quang An, Sở KH&CN đã nỗ lực nắm bắt những thuận lợi, bất lợi trong điều kiện tự nhiên - xã hội của tỉnh thành, cũng như lắng nghe nhu cầu từ chính người dân.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Quang Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông Bộ KH&CN, cho biết: “Sơn La đã nắm bắt được các yêu cầu thực tiễn địa phương để có những tiến triển đầy tích cực. Theo thống kê, năm 2019 tốc độ tăng trưởng kinh tế của Sơn La đạt gần 10%, xuất khẩu đạt 150 triệu USD, giá trị nông sản đạt 142 triệu USD. Chính vì vậy, theo ông Tuấn, thời gian tới Sở KH&CN tỉnh Sơn La cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, giúp người dân hiểu được tầm quan trọng của KH&CN trong tiến trình phát triển của đất nước.
Ông Trần Quang Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông Bộ KH&CN.
Bên cạnh những mặt tích cực, theo ông Phạm Quang An, “hiện nay, số lượng dự án sản xuất thử nghiệm trên địa bàn tỉnh còn hạn chế; một số sở, ngành, UBND huyện, thành phố chưa chủ động quan tâm, đặt hàng các nhà khoa học.” Vì vậy, Sở KH&CN cần phải có những phương án nâng cao hiệu quả ứng dụng KH&CN trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, Sở KH&CN Sơn La sẽ “tiếp tục nâng cao năng lực ứng dụng các thành tựu KH&CN, trong đó tập trung ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất..." - ông An cho biết. Thêm vào đó, Sở sẽ tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao nghiệp vụ thông tin KH&CN cho cán bộ, nhằm nâng cao kỹ năng tác nghiệp cho cán bộ chuyên trách; đẩy mạnh việc xây dựng và mở rộng đội ngũ cộng tác viên ở các sở, ban, ngành để tăng cường hiệu quả truyền thông KH&CN.