Trong khuôn khổ dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá bông lau (Pangasius krempfi) trong ao đất ở tỉnh Sóc Trăng”

Vừa qua, tại Hội trường Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ phối hợp với Sở KH&CN tổ chức Hội thảo khoa học “Kết quả thực hiện mô hình nuôi cá bông lau (Pangasius krempfi) trong ao đất ở tỉnh Sóc Trăng” nhằm phổ biến, trao đổi, chia sẻ về kết quả xây dựng mô hình nuôi cá bông lau trong ao đất tại huyện Kế Sách và Cù Lao Dung.


Dự Hội thảo có bà Vũ Thị Hiếu Đông - Giám đốc Sở KH&CN, ông Dương Vĩnh Hảo - Phó Giám đốc Sở KH&CN, ông Trang Vũ Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, bà Triệu Thị Ngọc Diễm - Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cùng 46 công chức, viên chức công tác tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ; Sở KH&CN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, Trung tâm Giống Quốc gia Thủy sản nước ngọt Nam Bộ; Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Thủy sản, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên, Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu, Trạm Khuyến nông các huyện, thị xã và thành phố Sóc Trăng; UBND xã An Thạnh 3; các hộ dân tham gia dự án, hộ nuôi cá bông lau trên địa bàn huyện Cù Lao Dung.

Sóc Trăng là tỉnh thuộc hạ lưu sông Hậu của vùng ĐBSCL tiếp giáp biển Đông. Diện tích tự nhiên 3.311km2, có 72 km bờ biển, thích hợp cho việc phát triển nghề nuôi thủy sản nước lợ. Những năm gần đây, ngành nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh đã có bước phát triển, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo Báo cáo của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, năm 2018 diện tích nuôi thủy sản của tỉnh là 77.858 ha, trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ là 56.160 ha, thủy sản nước ngọt và các loài thủy sản khác khoảng 21.698 ha. Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi 55.387,9 ha thủy sản, trong đó, có 46.728,5 ha diện tích nuôi tôm nước lợ và khoảng 8.659,4 ha diện tích nuôi thủy sản nước ngọt và các loài thủy sản khác.

Cá bông lau (Pangasius krempfi) thuộc họ cá da trơn (Pangasiidae), phân bổ ở Lào, Campuchia, Việt Nam; cá có kích thước lớn, thịt ngon; có giá trị nuôi thương phẩm, giá trị kinh tế cao (Trương Thủ Khoa và Trần Thị Thu Hương, 1993). Cá bông lau là loài cá sống đáy, có tập tính di cư sinh sản ở vùng ven biển nước lợ, nước ngọt (Nguyễn Bạch Loan, 1998). Theo kết quả khảo sản của ngành chức năng, ở tỉnh Sóc Trăng cá bông lau sống chủ yếu ở vùng cửa sông Định An, Trần Đề, Mỹ Thanh.

Hiện nay phong trào nuôi cá bông lau đang phát triển, nguồn lợi cá giống bông lau tự nhiên được khai thác đáng kể, tiềm ẩn nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi giống tự nhiên, do việc khai thác quá mức, gây khó khăn cho việc chủ động nguồn giống cá tự nhiên đảm bảo chất lượng phục vụ cho nhu cầu sản xuất. Do đó, việc thực hiện mô hình nuôi cá bông lau thương phẩm bằng cá giống nhân tạo là cần thiết.

Qua hơn một năm triển khai mô hình, nhóm thực hiện dự án, đã khảo sát tình hình nuôi cá bông lau ở tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng. Tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi cá bông lau thương phẩm cho các hộ tham gia dự án ở huyện Kế Sách, Cù Lao Dung; Hội thảo đầu bờ về mô hình nuôi cá bông lau thương phẩm trong ao đất tại xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung; đào tạo 6 kỹ thuật viên. Xây dựng mô hình nuôi cá bông lau thương phẩm trong ao đất bằng cá giống nhân tạo, với sản lượng, kích cở cá thu hoạch, tỷ lệ sống trung bình tại 3 điểm mô hình ở huyện Kế Sách lần lượt là 395,72 kg, 0,33 kg/con, 22,11% và 3 điểm mô hình ở huyện Cù Lao Dung là 7.804,4 kg, 0,33 kg/con, 22,11%. Đồng thời theo dõi các chỉ tiêu về môi trường ao nuôi (pH, oxy, nhiệt độ, độ mặn,...); sự sinh trưởng, dịch bệnh trên cá bông lau; đánh giá hiệu quả của mô hình;...

Hội thảo đã được nghe báo cáo tham luận về hiện trạng nuôi cá bông lau trong ao đất ở Vĩnh Long, Hậu Giang và Sóc Trăng; kết quả thực hiện mô hình nuôi cá bông lau trong ao đất ở tỉnh Sóc Trăng và các ý kiến thảo luận xoay quanh các vấn đề về kinh nghiệm nuôi cá bông lau bằng giống nhân tạo; tình hình sản xuất, tiêu thụ cá bông lau thương phẩm; biện pháp kiểm soát việc khai thác nguồn lợi cá giống bông lau tự nhiên, tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cá bông lau thương phẩm; sự khác biệt giữa cá bông lau với cá dứa;...

Ông Dương Vĩnh Hảo - Phó Giám đốc Sở KH&CN đề nghị: Để đảm bảo việc thực hiện nội dung của dự án theo Hợp đồng đã ký, thời gian tới, đề nghị đơn vị chủ trì, Chủ nhiệm dự án hoàn thiện Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện dự án; tổ chức họp Hội đồng KH&CN tự đánh giá kết quả thực hiện dự án; hoàn chỉnh hồ sơ dự án để tổ chức nghiệm thu cấp tỉnh về kết quả thực hiện dự án. Trong đó, cần lưu ý việc thu thập số liệu để phục vụ cho việc phân tích, đánh giá sự ảnh hưởng của độ mặn lên sự sinh trưởng của cá bông lau nhằm làm cơ sở cho việc đề xuất phương án nhân rộng kết quả dự án. Sau khi kết quả dự án được nghiệm thu, ngành nông nghiệp, các địa phương liên quan, cần quan tâm tổ chức triển triển khai nhân rộng kết quả của dự án vào thực tiễn phù hợp với điều kiện của từng địa phương, góp phần bảo tồn nguồn lợi cá bông lau, đa dạng hóa đối tượng nuôi, mang lại hiệu quả sản xuất cho người nuôi cũng như phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản của tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới.