Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Bình Định vừa tổ chức tập huấn “Quyền sở hữu trí tuệ gắn với phát triển đặc sản địa phương” và hội thảo góp ý chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2020.

Dự hội thảo có lãnh đạo của Ban quản lý khu kinh tế tỉnh, Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn, phòng kinh tế và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh


Hội thảo góp ý chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ.

Sở hữu trí tuệ có vài trò quan trọng đối với sự phát triển khoa học và công nghệ, cũng như đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Tại Bình Định có 1.353 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể như: Bánh ít lá gai Bình Định, Yến Sào Bình Định, Mai vàng An Nhơn, Cá cơm khô Mỹ An, Rượu Bàu đá, Rượu Trung Thứ, Rượu Vĩnh Cửu, Nước mắm Nhơn Lý, Nước mắm Đề Gi, Nước mắm Tam Quan, Dầu dừa tinh khiết Hoài Nhơn, Bánh tráng nước dừa Tam Quan, Nón ngựa Phú Gia, Nón lá Thuận Hạnh và nhãn hiệu chứng nhận cho Kiệu Phù Mỹ, Nem Chợ Huyện, Chả cá Quy Nhơn, Nón lá Gò Găng, Bánh tráng Trường Cửu, Mật ông rừng An Lão, Rượu đậu xanh Tây Sơn…

Tại buổi tập huấn Bà Ngô Phương Trà - cán bộ Văn phòng Đại diện tại Đà Nẵng (Cục Sở hữu trí tuệ) đã nhấn mạnh lợi ích của việc khai thác thương mại hóa các quyền sở hữu trí tuệ gắn với đặc sản địa phương, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, tích hợp giá trị văn hóa vào sản phẩm và phát triển các dịch vụ đi kèm như du lịch, hàng thủ công mỹ nghệ, lưu niệm…

Chiều cùng ngày, Hội thảo góp ý chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2020, các đại biểu đều thống nhất đây là một chương trình có ý nghĩa đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Ông Phan Viết Hùng - Phó Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh cho rằng: "Việc hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giúp doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để phát triển, nhất là ở tỉnh ta các doanh nghiệp sản xuất gỗ, sản xuất đá hầu như chỉ sản xuất thi công theo đơn đặt hàng, chưa đầu tư phát triển tài sản trí tuệ để sản xuất sản phẩm mang tính thương hiệu".

Theo PGS.TS Võ Viễn - Viện Nghiên cứu ứng dụng KHCN, Đại học Quy Nhơn, dự thảo nên có điều tra nhận thức, thực trạng sở hữu trí tuệ trong các doanh nghiệp, cần có sự hợp tác tác giữa nhà khoa học và doanh nghiệp".

Ông Nguyễn Hữu Hà - Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ phát biểu tổng kết hội thảo.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Ông Nguyễn Hữu Hà - Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Bình Định nhấn mạnh: "Nâng cao nhận thức và phát triển về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO, cần tăng cường hơn nữa tập huấn đào tạo, tuyên truyền phố biển rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp với các sở, ban ngành, trường, viện để triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp trên địa bản tỉnh Bình Định đến năm 2020, từ đó nâng cao năng lực khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế".