Bằng cảm quan và kinh nghiệm, người trồng thuốc lào Tiên Lãng đã tạo nên sản phẩm thuốc lào có một không hai.
Hàng năm, sau khi thu hoạch vụ mùa xong, những chân ruộng trũng để cấy lúa vụ chiêm, các chân ruộng cao chọn trồng thuốc lào. Thuốc lào trồng vụ Đông Xuân từ tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau theo Âm lịch.
Giai đoạn vườn ươm từ khoảng cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm trước đến giữa (hay cuối) tháng 1 năm sau, giai đoạn ra ruộng trồng từ cuối tháng 1 đến tháng 5 thì thu hoạch. Vào khoảng tháng 11 làm đất tơi, trộn hạt với tro bếp gieo, tưới ẩm. Hạt thành cây trong khoảng 2 - 3 tuần cho đến khi cây con có 2 - 3 lá dài khoảng 3 - 4cm là nhổ trồng được.
Đất trồng phù hợp nhất là đất cao thoát nước, đảm bảo tốt các tính chất lý hóa tính để có chất lượng tốt, đất càng rắn (đất thịt) thuốc càng ngon. Đất cát, pha cát thuốc sẽ nhạt hoặc có vị nóng. Trước khi trồng cần làm đất, cày ải để nỏ (phơi cho đất thật khô), bừa kỹ và đập tơi nhỏ.
Khâu làm đất rất quan trọng và vất vả. Người dân dùng vồ gỗ đường kính 10 - 15cm tra cán dài 1,2 - 1,8m đập đất ngày đêm bất kể thời tiết. Trước khi đánh luống lại phải nhặt sạch cỏ dại hay gốc rạ để tránh sinh hóa ra sâu hại cây. Luống được đánh thẳng hàng cao 30 - 40cm, rộng 70 = 80cm (có tài liệu ghi luống cao 30 - 60cm) đủ chỗ trồng hai hàng cây thuốc. Các luống thoải dần theo chiều thoát nước tốt vì thuốc lào không chịu được úng ngập, đọng nước cây sẽ chết.
Ảnh: Thuoclaoquetoi.
Mật độ trồng phù hợp 18.000 - 20.000 cây/ha (có tài liệu ghi 19.000-23.000 cây/ha).
Muốn thuốc lào đạt chất lượng tốt phải bón nhiều phân và phân bón phải tốt. Ít phân cây không phát triển được, lá ít, nhỏ và mỏng; ngược lại đủ phân và phân bón đúng cách thì cây nhiều lá, lá to dày và chất lượng ngon. Lượng phân bón cho 1 ha 30 tấn phân chuồng, 700 - 750 kg phân lân; 500 - 600 kg phân đạm; bón phân kali sun phát hoặc tro bếp.
Thuốc lào chuộng phân bắc giàu dinh dưỡng, được ủ kỹ với tro và đất màu, đảo tơi bón lót trong lòng luống. Khi cây mới trồng cần được tưới nước mỗi ngày một lần, đủ ẩm (duy trì ẩm độ của đất sau trồng 80 - 85%). Khi cây bén rễ, phát triển cần định kỳ tưới bằng phân chuồng ngâm ngấu, ban đầu pha loãng và sau tăng dần độ đặc tùy mức độ phát triển của cây, trực tiếp vào từng gốc cây khoảng 7 - 10 ngày/lần cho đến khi cây thuốc phát triển đủ lá cần thiết thì dừng.
Khi cây phát triển “đến độ” chậm lại người ta sẽ “cấm ngọn” (tức ngắt ngọn cây) chỉ lấy đủ lượng lá cần thiết, 17 - 25 lá/cây tuỳ theo từng cây (cây yếu lấy nhiều lá thì chất lượng kém, cây tốt mà lấy ít lá thì thiệt sản lượng). Lúc này cần tập trung chăm sóc để cây cho lá to và dày, tưới nước phân chuồng ngâm với phân lân.
Ảnh: Mapio.
Trong ruộng thuốc lào trước khi cấm ngọn cần giữ lại một số cây tốt, không ngắt ngọn để cho cây ra hoa, đậu hạt làm giống cho mùa sau.
Chăm sóc, theo dõi hàng ngày cho cây như nhặt cỏ, bắt sâu, diệt bọ rầy, đảm bảo thoát nước luống thật tốt.
Sau trồng 5 tháng, vào khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5 (Âm lịch) khi thời tiết bước vào những ngày Hè oi nồng, nóng nực, gió Nam thổi suốt ngày đêm, lá thuốc lào dày cộm rất nhanh và cứng lại như tàu mo cau, các cây thuốc lào lá cụp, chuyển màu từ xanh đậm sang phớt vàng.
Bằng cảm quan và kinh nghiệm, người trồng sẽ xác định được đúng thời điểm lá thuốc “chín” già, tích lũy đủ hương liệu để thu hoạch. Nếu hái sớm, lá thuốc còn xanh sẽ khiến thuốc có màu không sáng đẹp, chất lượng kém. Việc thu hái và vận chuyển luôn phải tránh để lá thuốc bị ướt. Thường không thu hoạch vào ngày mưa hoặc sau khi mưa mà chọn ngày nắng to, gió Nam; không thu hái vào buổi sáng mà chọn lúc trưa hoặc chiều khi lá thuốc đã khô hết sương đêm.