Là doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tại Thái Bình, ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xuất - nhập khẩu tổng hợp Hà Nội - kiến nghị, tỉnh cần nhân rộng mô hình bảo hiểm nông nghiệp theo hướng minh bạch để dân có thể tin tưởng tiêu dùng các sản phẩm tốt.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Thái Bình cần phấn đấu trở thành tỉnh tiên phong khơi nguồn cho những đổi mới trong phát triển nông nghiệp; phát huy lợi thế tự nhiên gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao và công nghiệp dịch vụ phục vụ nông nghiệp”.

Ông Nguyễn Hồng Diên - Chủ tịch UBND tỉnh - cho biết: “Thái Bình đã bước đầu hình thành các vùng chuyên canh giá trị cao, các vùng luân canh nhiều vụ có giá trị sản xuất tới 300-500 triệu đồng/ha, thậm chí trên 1 tỷ đồng/ha mỗi năm. Tới đây, tỉnh sẽ xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản. Việc này đòi hỏi rất lớn về suất đầu tư và năng lực quản lý, làm chủ công nghệ, trong khi Thái Bình còn hạn chế về nguồn lực đầu tư”.

Đại diện Đại sứ quán Mỹ (thứ tư từ trái qua) thăm mô hình trồng giống lúa mới TBR36 ở Thái Bình. Ảnh: M. Hằng

Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch Geleximco Vũ Văn Tiền cho rằng: “Để các doanh nghiệp đầu tư có hiệu quả, Thái Bình cần thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng phát triển một nền nông nghiệp đa chức năng; hình thành chuỗi giá trị khép kín từ khâu gieo trồng, canh tác, chế biến; liên kết các hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân để sản xuất công nghiệp, hàng hóa đạt chất lượng cao, sản xuất nông sản, thực phẩm sạch”.

Cũng theo ông Tiền, Chính phủ cần sớm ban hành quy định về tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao với nhiều ưu đãi để đảm bảo cho doanh nghiệp đầu tư hiệu quả vào Thái Bình cũng như các địa phương khác. Cần đổi mới cơ chế, chính sách quản lý khoa học và công nghệ, phát triển nông nghiệp, nông thôn theo chủ trương công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, giải quyết các vấn đề về giống, công nghệ sau thu hoạch, phát triển công nghiệp dịch vụ, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, cần khuyến khích việc ký kết hợp đồng giữa các cơ quan khoa học và công nghệ với các chủ thể nông nghiệp; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa khoa học, kỹ thuật, công nghệ với sản xuất, kinh doanh bằng các chương trình, dự án phát triển kinh doanh xã hội nông thôn, để người nông dân trở thành công nhân kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Tiền cũng kiến nghị Thái Bình nhân rộng mô hình bảo hiểm nông nghiệp theo hướng rõ ràng, minh bạch; xử nghiêm các doanh nghiệp dùng thực phẩm không an toàn, chất cấm; xây dựng chuỗi liên kết quản lý được chất lượng và truy xuất nguồn gốc trong chuỗi giá trị hoàn chỉnh; triển khai các chương trình đào tạo, nâng cao nhận thức người lao động tham gia dự án nông nghiệp, vận động người dân thay đổi hành vi tiêu dùng bằng cách “nói không với thực phẩm bẩn”.

Còn ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần ôtô Trường Hải, doanh nghiệp ký kết với Thái Bình về việc đầu tư khu công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô 310ha tại huyện Quỳnh Phụ - kiến nghị: “Nông nghiệp Thái Bình cần thay đổi toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, chuyên môn hóa với quy mô lớn, đảm bảo sạch, an toàn; xuyên suốt chuỗi giá trị khép kín từ phát triển giống, phân, thuốc bảo vệ nguồn gốc hữu cơ, máy móc thiết bị canh tác, thu hoạch cho đến phương tiện vận chuyển và phân phối”.