Muốn có được cây bưởi Luận Văn cho sai quả, mang chất lượng cao thì các công đoạn chọn giống, chăm sóc cây và phòng trừ sâu bệnh buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt về kỹ thuật.
Công đoạn nhân giống và làm đất
Phương pháp nhân giống được người dân sử dụng là chiết cành. Lựa chọn cây mẹ là giống bưởi Luận Văn, từ 8 – 10 tuổi, sức sinh trưởng tốt và năng suất ổn định qua các năm để chiết cành. Chọn cành chạc đôi hoặc chạc ba, đường kính cành chiết 2–3 cm, cành ở vai tán, chiết cành vụ thu để trồng vụ xuân.
Trong quá trình làm đất, làm đất tối thiểu, loại cỏ dại bằng vôi bột 500 kg/ha, belate 20 kg/ha, basudin 20 kg/ha đối với đất trồng mới; Làm rãnh thoát nước rộng 40 – 50 cm, sâu 30 – 40 cm đối với đất thoát nước kém.
Tiến hành đào hố để trồng bưởi: Đối với đất bằng, kích thước hố 60 x 60 x 60 cm; Đối với đất đồi, kích thước hố 80 x 80 x 80 cm. Khi đào, tách và để riêng các lớp đất mặt và lớp đất phía dưới.
Bưởi Luận Văn cần được chăm sóc rất nhiều để đảm bảo chất lượng. Ảnh: NLD.
Công đoạn trồng bưởi
Thời vụ trồng bưởi là vào tháng 2 – 3 hoặc tháng 9 – 10. Trước khi trồng 1-2 tháng thì tiến hành bón lót. Bón lót: 40 – 50 kg phân chuồng, 1 kg supe lân, 0,1 – 0,15 kg đạm Urê, 0,15 – 0,2 kg kali và 1 – 1,5 kg vôi bột cho một hố. Trộn vôi bột với lớp đất phía dưới, lấp đầy 1/3 hố. Phân trộn đều với lớp đất mặt, lấp đầy miệng hố.
Trồng bưởi theo khoảng cách hàng cách hàng 5 – 6 m, cây cách cây 5 – 6 m (330 – 450 cây/ha). Nếu diện tích trồng lớn hơn 1 ha, cần trồng cây chắn gió theo hướng gió chính thường xuyên gây hại cách hàng bưởi đầu tiên 8-10 m. Đai chắn gió dày 2,5-3,0 cm. Cây chắn gió phải có tốc độ sinh trưởng nhanh, thân cao 8-10 m, tuổi thọ cao và không phải là cây ký chủ sâu bệnh hại trung gian của bưởi (có thể dùng keo tai tượng).
Phương pháp trồng là đào lỗ 30 x 30 cm giữa tâm hố, xé bao bầu cây (tránh làm vỡ bầu) và đặt nhẹ bầu vào giữa tâm hố, gạt đất và nén chặt. Dùng cọc và dây mềm để cố định cây. Tưới nước đủ ẩm sau trồng. Tủ rơm rác xung quanh, cách gốc 10 cm để giữ ẩm cho đất.
Công đoạn chăm sóc vườn bưởi
Trong giai đoạn kiến thiết cơ bản (tức là 1-3 năm đầu sau khi trồng), có thể trồng xen cây ngắn ngày để hạn chế cỏ dại, tăng thu nhập và cải tạo đất. Cây trồng xen thuộc họ đậu (lạc, đỗ), trồng cách gốc bưởi 0,8-1 m.
Tiến hành bón phân cho cây với các loại phân bón như: đạm, lân, kaliclorua, vôi bột và phân chuồng. Chú ý tưới đủ ẩm vào những ngày hạn, tủ gốc giữ ẩm giai đoạn tháng 5 – 8. Tiến hành tỉa cành, làm cỏ, vệ sinh vườn: Tỉa bỏ những cành vượt, cành mọc không theo ý muốn và định tán. Kết hợp làm cỏ cùng với các đợt bón phân. Mùa mưa dọn gốc sạch để hạn chế các nấm bệnh.
Khi cây cao 60-70 cm thì tiến hành tạo cành cấp 1: Chọn 3 cành khỏe, thẳng, phân bố đều 3 phía tạo thành góc 120o và tạo với mặt phẳng nằm ngang 80o để làm cành cấp 1, bấm ngọn. Khi cành cấp 1 dài 50-60cm thì tạo cành cấp 2, bấm ngọn cành cấp 1, mỗi cành cấp 1 chỉ duy trì 3 cành cấp 2. Khống chế cành cấp 3 không giao nhau và phân bố theo các hướng khác nhau.
Trong giai đoạn cây bưởi bước vào thời kỳ cho quả, cần tiến hành tỉa cành và định quả. Tỉa cành cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2. Cắt bỏ tận gốc cành mọc quá dày, mọc chồng lên nhau, cành bị sâu bệnh, cành khô. Cắt bớt phần ngọn những cành vượt để thúc mầm cành phía dưới.
Sau khi quả đã đậu ổn định (tháng 4), cắt bỏ những quả nhỏ, quả dị tật, chỉ giữ 1 quả/chùm, định số quả hữu hiệu thích hợp với tán cây.
Tiến hành bón phân 3 lần trong năm, vào giai đoạn sau thu hoạch, thúc quả lần 1 và bón thúc quả lần 2. Đối với phân chuồng thì tiến hành trộn đều với vôi bột, và bón theo phương pháp bón rãnh, còn phân vô cơ thì bón rải.
Trong giai đoạn phát triển quả (tháng 4, 5, 6) phải tưới đủ nước cho cây, làm tủ gốc giữ ẩm từ tháng 5 đến tháng 8.
Để nâng cao khả năng đậu quả của bưởi, người dân tiến hành trồng cây lấy bóng mát cho bưởi, tiến hành dùng gậy dài gõ nhẹ vào các cành cấp 3 (cành mang hoa) trong những ngày nhiều sương mù và vào buổi sáng sớm. Ngoài ra có thể thụ phấn bổ sung bằng hạt phấn của cây bưởi chua.
Thường xuyên phòng trừ sâu bệnh trên cây bưởi, chú ý các loại sâu bệnh hai bưởi như: Sâu nhớt, Sâu đục cành, Ngài chích hút, Ruồi đục quả (ruồi vàng), Nhện đỏ (Panonychus citri) và Nhện trắng (Polyphagotarsonemus latus), bệnh chảy gôm, bệnh greening.