Mới đây, nhằm đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng các giải pháp công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường góp phần phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Trị phối hợp với Sở KH&CN tổ chức hội thảo khoa học: “Ứng dụng các giải pháp công nghệ trong nuôi tôm tại tỉnh Quảng Trị”. Ông Trần Ngọc Lân, TUV, Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Trị chủ trì hội thảo.
Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu đến từ Ban Tuyên giáo tỉnh ủy; Văn phòng UBND tỉnh; đại diện Lãnh đạo và các đơn vị trực thuộc Sở KH&CN; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cùng đại diện lãnh đạo phòng NN&PTNT các huyện; UBND các xã có nuôi tôm; các chuyên gia; doanh nghiệp, nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng, chuyển giao KH&CN nuôi tôm trong và ngoài tỉnh.
Tại Hội thảo các đại biểu đã trình bày 7 tham luận chủ yếu tập trung: Tổng quan và định hướng phát triển ngành nuôi tôm tỉnh Quảng Trị; Tình hình sản xuất và cung ứng giống tôm tại Quảng Trị; Ứng dụng công nghệ siêu âm kết hợp Nano khí trong nuôi tôm thẻ chân trắng tại Thừa thiên Huế; Ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm thâm canh tại Quảng Trị; Tiến trình hợp tác, liên kết và triển khai các dự án phát triển nuôi trồng, chế biến thủy sản tại Quảng Trị của Camimex Group; CP Group và Nuôi tôm công nghệ cao; Một số chủ trương, chính sách về ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị.
Trong những năm gần đây, phong trào nuôi tôm phát triển mạnh, đến nay toàn tỉnh Quảng Trị có 933 ha, sản lượng nuôi đạt trong một năm khoảng 4.532 tấn, giá trị mang lại gần 679 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi còn một số tồn tại nhất là dịch bệnh xảy ra gây nhiều thiệt hại cho hộ nuôi. Các ngành chức năng, doanh nghiệp và hộ nuôi tôm đã đi sâu phân tích nguyên nhân dẫn đến những hạn chế và đưa ra các giải pháp khắc phục. Theo đó, trước hết cần chú trọng quy hoạch vùng nuôi hợp lý, xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo, từng bước khắc phục tình trạng nuôi tự phát, khuyến khích nuôi tôm cộng đồng. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư để nâng cấp, hoàn thiện, nâng cao năng lực nghiên cứu và sản xuất của Trung tâm Giống thủy sản, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân xây dựng mới các trại giống cũng như hợp tác, liên kết với các Công ty sản xuất tôm giống có thương hiệu trên thị trường. Đặc biệt, tích cực phát triển, nhân rộng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với đặc điểm từng vùng, thân thiện với môi trường, không sử dụng thuốc kháng sinh ở tất cả các phương thức nuôi và các khâu trong chuỗi sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng, có nguồn gốc và được chứng nhận an toàn.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Ngọc Lân, TUV, Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI xác định, ngành thủy sản tỉnh Quảng Trị trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phấn đấu sản lượng thủy sản năm 2020 đạt 38 nghìn tấn. Mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản lên 3.800 - 4.000 ha. Trong đó, nuôi tôm trở thành thế mạnh và là một trong 2 con nuôi chủ lực tạo sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của tỉnh.Tuy nhiên, để thực hiện nuôi tôm một cách có hiệu quả và mang tính bền vững thì cần phải từng bước đổi mới theo hướng tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao như mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn; nuôi tôm 2 giai đoạn theo công nghệ Biofloc; nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm theo hình thức thâm canh, sử dụng chế phẩm sinh học; nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng VietGAP; nuôi tôm trong nhà lưới, nhà kính... Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong nuôi tôm để nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước hình thành liên kết chuỗi giá trị và đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất những giải pháp đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng công nghệ trong nuôi tôm trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Các đại biểu của sở, ngành, doanh nghiệp cũng đưa ra những ý kiến cho rằng để nuôi tôm đạt hiệu quả cao nhất thì doanh nghiệp cần đóng vai trò động lực và tổ chức lại sản xuất theo hướng thành lập các tổ hợp tác, HTX liên kết các hộ sản xuất nhỏ lẻ, tạo vùng nguyên liệu tập trung để liên doanh với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm.