Mấy ngày qua, có những tàu đánh bắt xa bờ ở vùng biển quanh đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) liên tiếp trúng những đàn cá 10 tấn, thậm chí 100 tấn. Đáng nói là, những tàu này đều đầu tư và áp dụng các công nghệ tiên tiến, như lắp đặt hệ thống định vị vệ tinh GPS, máy dò ngang sonar,…và đặc biệt là hệ thống đèn LED giúp tiết kiệm nhiên liệu.
Hệ thống đèn LED lắp đặt trên các tàu tham gia Dự án tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu quả công việc với trang thiết bị đèn LED đặc biệt công nghệ mới (COB) cho tàu đánh bắt xa bờ Quảng Trị. Ảnh: Sở KH&CN Quảng Trị Tàu đánh bắt xa bờ công suất 410 CV do Anh Lê Văn Viện (thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) làm thuyền trưởng cùng 11 ngư dân đang đánh bắt ở vùng biển quanh đảo Cồn Cỏ cách bờ khoảng 30 hải lý vào tối 10/2 (mồng 7 tết) thì máy dò ngang (sonar) phát hiện đàn cá lớn. Mất 20 phút vây lưới, đàn cá - ước tính hơn 100 tấn và được bán với giá 50-60 nghìn đồng/kg - bị tóm gọn, anh Viện cho biết. Sau khi quây được đàn cá, anh Viện kêu gọi các tàu bạn gồm 10 tàu đánh bắt khác cũng đang đánh bắt trên biển đến hỗ trợ để khai thác mẻ cá khủng này.
Ngoài tàu của anh Viện trúng lớn, còn có 2 tàu cá khác trúng cá bè xước vào ngày 11/2. Đó là tàu của ông Hồ Văn Thà (thị trấn Cửa Việt, Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), công suất 718 CV, trúng mẻ cá bè hơn 20 tấn; và tàu của ông Lê Văn Tuấn (xã Gio Việt, huyện Gio Linh) trúng 10 tấn cá bè.
Trước đó, vào ngày mùng 4 tết (8/2), ông Hồ Văn Thà cũng trúng 10 tấn cá bè. Với giá bán sỉ cho thương lái khoảng 50- 60 nghìn đồng/kg, riêng cá bè xước ước tính mang về cho ông hơn 8 tỉ đồng.
Một điểm chung của tất các tàu trúng những mẻ cá lớn đầu năm nay là đều đã có những đầu tư và áp dụng các công nghệ tiên tiến trong đánh bắt thủy sản, như lắp đặt hệ thống định vị vệ tinh GPS, máy dò ngang sonar,…và đặc biệt là hệ thống đèn LED giúp tiết kiệm nhiên liệu sử dụng cho tàu đánh bắt xa bờ.
Đây cũng là các tàu đã được lựa chọn tham gia Dự án tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu quả công việc với trang thiết bị đèn LED đặc biệt công nghệ mới (COB) cho tàu đánh bắt xa bờ Quảng Trị. Việc thay thế các đèn HID (cao áp thủy ngân công suất từ 500-2.500W tiêu tốn nhiên liệu và gây ô nhiễm môi trường) bằng hệ thống đèn LED thu hút cá công suất 200W, đã góp phần giảm chi phí nhiên liệu từ 50-60% và giảm phát thải khí carbon dioxide.
Tham gia dự án, tàu của anh Lê Văn Viện được lắp 60 hệ thống đèn LED, tàu của ông Hồ Văn Thà được lắp 42 hệ thống đèn LED. Hiệu quả về tiết kiệm nhiên liệu được các chủ tàu nhận thấy rõ qua hơn một năm sử dụng.
Đánh mẻ cá thu bè trên biển. Ảnh: Sở KH&CN Quảng Trị Dự án nói trên do Cơ quan Phát triển Công nghệ công nghiệp và Năng lượng Mới Nhật Bản (New Energy and Industrial Technology Development Organization - NEDO) thông qua và thực hiện theo Cơ chế Tín chỉ chung (Joint Crediting Mechanism). Tổng đầu tư cho dự án vào khoảng 3,4 triệu USD (chưa kể đối ứng từ Việt Nam). Đơn vị thực hiện là Công ty Stanley Electric (Nhật Bản) và Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị (chủ dự án) phối hợp Công ty Cổ phần Năng lượng Công nghệ Vĩnh Cửu (ETES). Dự án được triển khai tại 3 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Triệu Phong tỉnh Quảng Trị cho các tàu đánh bắt xa bờ sử dụng ánh sáng. Thời gian nghiên cứu triển khai bắt đầu từ tháng 9/2014, qua các giai đoạn: tìm kiếm, thử nghiệm; trình diễn (2/2016-2/2017); và thực hiện JCM (từ tháng 4/2018). Có tất cả 1.750 bộ thiết bị đã được lắp đặt tuân theo các quy chuẩn và tiêu chuẩn của Nhật Bản giúp chống ăn mòn muối, chống nước, chống va đập; và đèn LED tuân thủ các tiêu chuẩn nghiên cứu thử nghiệm. Sau khi hoàn tất lắp đặt, các số liệu liên quan đánh bắt và tiêu thụ điện năng của 40 tàu đã được thu thập. Qua tính toán số liệu gần một năm thực hiện (4/2017-12/2017) cho thấy giảm khoảng 960 tấn CO2 (theo lý thuyết khoảng 1.048 tấn CO2/năm). Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy: (i) Về độ rọi: độ rọi của tàu có sử dụng đèn LED lớn hơn đèn thông thường mặc dù tổng công suất chiếu sáng trên tàu có đèn LED chỉ bằng ¼ so với tàu đối chứng; (ii) Về độ sâu chiếu sáng: độ chiếu sáng sâu nhất đèn LED tương ứng là 40-60 m, trong khi đó đèn cao áp chỉ đạt 17-30 m; (iii) Về quang thông là tương đương nhau; (iv) Về chi phí nhiên liệu: Tàu sử dụng đèn LED chỉ tiêu tốn nhiên liệu bằng 30-40 % so với tàu đối chứng. Điều này chứng tỏ rằng tàu sử dụng đèn LED mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các tàu của ngư dân sử dụng các loại bóng đèn thông thường khác. Việc tiết kiệm lượng dầu sử dụng ngoài việc giảm chi phí khai thác, nó còn có ý nghĩa góp phần giảm ô nhiễm môi trường do khí thải CO2 gây ra.
Phan Tuấn Anh