Tại huyện Tam Nông, để đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, huyện tập trung chỉ đạo làm tốt công tác dồn đổi, tích tụ ruộng đất. Đến nay, toàn huyện có 19/20 xã, thị trấn đã thực hiện dồn đổi ruộng đất và chia ruộng ngoài thực địa với hơn 13.000 hộ tham gia, diện tích trung bình sau khi dồn đổi đạt hơn 690m2/thửa, tăng hơn 446m2/thửa.
Cùng với làm tốt dồn đổi ruộng đất, huyện tập trung chỉ đạo đẩy mạnh quy hoạch, phân vùng sản xuất; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, tạo mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ và chế biến sản phẩm nông sản; hình thành cánh đồng mẫu lớn, xây dựng mô hình, khu vực chăn nuôi, trồng cây ứng dụng công nghệ cao.
Mô hình nhà lưới của ông Nguyễn Hoàng Mạnh, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông được triển khai từ năm 2015, với số vốn vay hơn 400 triệu đồng đầu tư xây dựng nhà lưới hơn 1.500m2 để trồng rau màu các loại.
Sau một thời gian ứng dụng hiệu quả mô hình, ông Mạnh tiếp tục được tỉnh Phú Thọ hỗ trợ xây dựng một nhà màng rộng gần 3.500m2 với tổng kinh phí 2,7 tỷ đồng; trong đó, vốn đối ứng của gia đình chiếm gần 30%. Các giống cây được trồng chủ yếu là dưa lưới, dưa chuột, cà chua, các loại rau, củ, quả theo mùa.
Mô hình được áp dụng hệ thống lưới cắt nắng, quạt đối lưu, tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa. Quy trình canh tác tại đây đều được ông tuân thủ nghiêm ngặt từ chọn giống, làm đất, gieo trồng, ươm hạt tới chăm sóc. Nhờ đó, cây trồng phát triển xanh tốt, ít bị sâu bệnh, từ đó hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, việc canh tác trong nhà lưới không phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu giúp chủ động được kế hoạch sản xuất cũng như khắc phục tình trạng mất mùa vụ.
Ông Hoàng Văn Mạnh cho biết, trước đây gia đình sản xuất nông nghiệp theo phương thức canh tác truyền thống nhỏ lẻ, tự phát nên cho năng suất thấp, chất lượng không cao. Sau khi được tỉnh hỗ trợ xây dựng hệ thống nhà lưới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã giúp chi phí về vật tư và công lao động giảm, năng suất cây trồng cao gấp 1,5 lần, chất lượng đồng đều.
Việc canh tác trong nhà lưới không phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu giúp chủ động kế hoạch sản xuất, khắc phục tình trạng mất mùa vụ. Với mô hình này, mỗi năm có thể trồng ít nhất 3 vụ, sản lượng đạt khoảng từ 1,5-4 tấn rau, củ, quả/sào, đạt lợi nhuận từ 400-500 triệu đồng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp được triển khai phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, gắn kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản, bước đầu đã gắn trách nhiệm của các doanh nghiệp với người sản xuất.
Từ liên kết, nông dân được tiếp nhận hỗ trợ về đầu tư, các biện pháp kỹ thuật, đầu ra ổn định, thu nhập từng bước được nâng lên; doanh nghiệp chủ động được nguyên liệu, mở rộng quy mô sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh.
Một số hình thức tổ chức liên kết sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao như: Sản xuất chuối xuất khẩu ở Tam Nông; rau an toàn ở Lâm Thao, Cẩm Khê; liên kết bao tiêu bưởi Diễn, cam với Công ty VinEco tại Thanh Thủy; cung ứng thịt gà tại thành phố Việt Trì.
Phú Thọ có lợi thế về kết cấu hạ tầng giao thông thuận lợi, môi trường sinh thái tốt, quỹ đất dốc lớn có thể sản xuất hàng hóa tập trung hiệu quả. Đây là những yếu tố quan trọng để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Trên cơ sở đó, Phú Thọ đã có những biện pháp đổi mới cơ chế, chính sách, tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và đã phát huy hiệu quả, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp liên tục tăng.
5 năm trở lại đây, Phú Thọ đã có 42 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ở các lĩnh vực từ chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản đến chế biến thức ăn gia súc, sơ chế sản phẩm.
Ông Kiều Quốc Phong, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông, cho biết sau dồn đổi đất nông nghiệp thành công đã tạo điều kiện để huyện quy hoạch cây trồng, vật nuôi có thế mạnh thành vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao.
Đến nay, huyện đã hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích trên 100ha. Đây là cơ sở để huyện cơ cấu lại kinh tế đúng định hướng, giảm tỷ lệ song vẫn đảm bảo tăng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp.
Phú Thọ, hiện đã có 94 xã triển khai công tác dồn đổi ruộng đất, trong đó có 7 xã thuộc 4 huyện thực hiện xong, tạo cơ sở để hình thành các vùng sản xuất tập trung, vùng chuyên canh lúa, ngô và các loại cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tại thị xã Phú Thọ và các huyện: Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Sơn, Thanh Ba, Hạ Hòa, Thanh Thủy, Đoan Hùng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập càng ngày càng sâu rộng, các sản phẩm nông nghiệp cả nước nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng sẽ chịu sự cạnh tranh rất lớn của các sản phẩm nước ngoài. Chỉ khi thực hiện tốt tái cơ cấu nông nghiệp mới tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao, sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Theo ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, để làm được điều đó phải từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể phải tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, định hướng cho người dân để thúc đẩy quá trình này.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu với tỉnh chỉ đạo quyết liệt quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với cơ cấu lại sản xuất, các kế hoạch đã được ban hành; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, khuyến khích phát triển trang trại, gia trại tăng quy mô sản xuất.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp sẽ thường xuyên cập nhật thị trường và thực tiễn để định hướng sản xuất; tập trung phát triển nhanh các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn trên cơ sở phát huy lợi thế, thế mạnh đối với các sản phẩm chủ lực của từng địa phương; tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ gắn với phát triển nhanh công nghiệp chế biến, bảo quản./.