Vừa qua, Sở KH&CN Nghệ An đã tổ chức đánh giá nghiệm thu cấp tỉnh đề tài: Nghiên cứu ứng dụng tri thức bản địa đồng bào dân tộc Thái miền Tây Nghệ An trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đề tài do TS Lê Thị Hiếu - chủ nhiệm, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An chủ trì. Đồng chí Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng, chủ trì cuộc họp.
Sau 2 năm triển khai thực hiện, đề tài đã hoàn thành vượt mục tiêu, nội dung đề ra. Cụ thể: Đã hệ thống hóa tri thức bản địa của người Thái (Tri thức trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi, tri thức y học dân gian, tri thức ẩm thực, tri thức thủ công truyền thống); Nhận diện xu hướng biến đổi và khả năng phát huy tri thức của người Thái, Nghệ An vào phát triển kinh tế, xã hội; Đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy ứng dụng hiệu quả cho từng tri thức của người Thái vào phát triển kinh tế, xã hội miền Tây, Nghệ An;Hệ thống các bài thuốc dân gian, cây dược liệu của người Thái (trên 700 bài); Đồng thời cung cấp tri thức của người Thái về nguyên liệu, cách chế biến và cách thưởng thức các món ăn của người Thái…
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng nhất trí đánh giá: đây là công trình có giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn cao. Về phương pháp nghiên cứu, điều tra khảo sát đã đảm bảo độ tin cậy, phù hợp với phạm vi nghiên cứu của đề tài. Ngoài phương pháp chuyên ngành chủ nhiệm đề tài còn sử dụng các phương pháp liên ngành, và được sử dụng có hiệu quả trong nghiên cứu, đặc biệt là các tri thức bản địa của người Thái; Số lượng và khối lượng chủng loại các sản phẩm của đề tài đủ về số lượng và khối lượng chính theo thuyết minh Hợp đồng của đề tài; Chủ nhiệm đề tài đã trình bày công phu, khoa học tuân thủ các nguyên tắc trong nghiên cứu khoa học. Một số kết quả nghiên cứu về tri thức trồng trọt, chăn nuôi có thể áp dụng trong phát triển kinh tế nông nghiệp tại các địa phương hiện nay. Kết quả tri thức y học dân gian có thể vận dụng để chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Kết quả nghiên cứu ẩm thực của người Thái có thể đem vào phát triển du lịch cộng đồng….
Tuy nhiên, để báo cáo được hoàn thiện hơn cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài cần bổ sung đầy đủ ý kiến của thành viên Hội đồng và chỉnh sửa, bổ sung một số vấn đề sau: Cần thống nhất thuật ngữ của một nhóm Thái; một số ảnh cây thuốc cần chú thích theo thuật ngữ phổ thông; và đặc biệt cần bổ sung thêm Lịch sử văn hóa; một số luật tục, hương ước của đồng bào Thái trong quản lý xã hội, thôn bản, gắn với phát triển kinh tế, xã hội…
Với những kết quả đã đạt được, Hội đồng nhất trí nghiệm thu, đánh giá đề tài đạt loại: Xuất sắc.
Sở KH&CN Nghệ An