Được định hình là khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch biển tầm cỡ quốc tế và khu vực, tỉnh ủy Kiên Giang đã xác định cần giữ gìn và phát triển các cây, con đặc trưng của Phú Quốc để phục vụ mục đích trên.

Một trong những loài cây cần được phát triển là tiêu Phú Quốc. Đây là sản phẩm nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể và có 5ha cây hồ tiêu được tổ chức quốc tế chứng nhận sản xuất theo GlobalGAP.

Bên cạnh đó, Phú Quốc khá đa dạng về các loại lan hoang dã như phong lan, địa lan thạch lan, lan leo và lan hoại sinh,cần được bảo vệ. Đây cũng là nơi phát hiện được 17 loài lan mới cho Việt Nam.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang, tỉnh và huyện đang chú trọng bảo vệ loài nấm tràm Phú Quốc hiện còn đang mọc khá tự nhiên và được thu hái thủ công. Trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang sẽ đầu tư nghiên cứu và đưa vào quy trình canh tác để sản xuất nấm tràm Phú Quốc nhân tạo, phục vụ người dân và du khách.
Tiêu Phú Quốc nổi tiếng bởi chất lượng và vị cay nồng khác biệt. Ảnh: Sở KH&CN Kiên Giang
Tiêu Phú Quốc nổi tiếng bởi chất lượng và vị cay nồng khác biệt. Ảnh: Sở KH&CN Kiên Giang

Một sản phẩm du lịch khá độc đáo là trường đua địa hình chó xoáy Phú Quốc Thanh Nga đang đòi hỏi phải có sự quan tâm chăm sóc và gìn giữ giống chó này.

Bên cạnh đó, Sở KH&CN tỉnh đang có kế hoạch sinh sản nhân tạo và nhân nuôi kỳ tôm Phú Quốc – một loài vật cần được bảo vệ trong Sách đỏ Việt Nam.

Song song với đó, các ngành chức năng Kiên Giang nhận định cần phát triển một số sản phẩm vật nuôi để cải thiện đời sống người dân như nuôi cá trê suối Phú Quốc, nuôi heo rừng, nuôi cá lồng bè với chủ yếu là cá mú sao, mú đen, mú cọp, cá bóp, cá hường bạc…