Tăng cường liên kết với doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp là nguồn cầu chủ yếu của hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) là hướng đi mà nhiều địa phương xác định để khai thác tối đa các lợi thế, điều kiện đặc thù của mình.
Năm 2015, có tổng cộng 1.029 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh được các địa phương triển khai, tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu về nông nghiệp, khoa học kỹ thuật và công nghệ, y dược, xã hội nhân văn…
Hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, quản lý công nghệ và an toàn bức xạ hạt nhân cũng ngày càng được triển khai một cách chủ động. Có nhiều tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật mới được ban hành như Kiên Giang có 582 tiêu chuẩn kỹ thuật và 10 quy chuẩn kỹ thuật; Lâm Đồng có 365 tiêu chuẩn kỹ thuật và 5.042 quy chuẩn kỹ thuật… Có thể nói, các sở KH&CN như cánh tay nối dài đưa chính sách KH&CN vào cuộc sống, đồng thời cũng là nơi ứng dụng hiệu quả các kết quả nghiên cứu vào việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Về mục tiêu năm 2016, ông Nguyễn Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN - cho biết: Đây là năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 - giai đoạn đẩy mạnh thực hiện và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của chiến lược phát triển KH&CN quốc gia đến năm 2020. Do vậy, hoạt động KH&CN quan trọng của các sở là tiếp tục tham mưu cho UBND trong việc chủ động sửa đổi, cụ thể hóa các văn bản quản lý hoạt động KH&CN ở địa phương phù hợp với Luật KH&CN sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đặc biệt, với việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN theo hình thức đặt hàng - bên đề xuất đặt hàng phải có trách nhiệm triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất, đời sống sau khi được nhận bàn giao kết quả. Cần tăng tỷ lệ nhiệm vụ KH&CN có khả năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Ông Nguyễn Hồng Hà cũng cho rằng, các sở cần tăng cường khai thác lợi thế và điều kiện đặc thù của từng vùng, từng địa phương để đẩy mạnh sản xuất hàng hóa là các sản phẩm chủ lực. Hoạt động KH&CN địa phương phải coi doanh nghiệp là đối tượng trọng tâm để tác động thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương cần thông qua các hoạt động hỗ trợ, đổi mới công nghệ, nghiên cứu khoa học để cải tiến công nghệ, sản xuất sản phẩm mới, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến... Ngoài ra, các sở KH&CN cần đẩy mạnh phong trào sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong quần chúng nhân dân.
Để thực hiện được mục tiêu này ông Hà đưa ra một số đề xuất, kiến nghị. Theo đó, đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN trong việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động KH&CN ở địa phương và trên phạm vi toàn quốc.
“Quan tâm đầu tư kinh phí, nhân lực chất lượng cao và các điều kiện khác để nâng cao năng lực, tiềm lực KH&CN của địa phương, trọng tâm là nâng cao năng lực của các tổ chức KH&CN; hỗ trợ đổi mới ứng dụng công nghệ hiện đại trong doanh nghiệp” - ông Hà nói.Bộ KH&CN cũng đề nghị các sở KH&CN thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước và tốt hơn nữa vai trò làm đầu mối hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ở địa phương xây dựng các đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN thực sự đáp ứng nhu cầu cấp thiết của địa phương. Huy động tối đa các nguồn lực để các nhiệm vụ khoa học được thực hiện đạt mục tiêu đề ra.