Ở Gia Lai, có khá nhiều đặc sản khi nhắc tới tên sẽ khiến nhiều người phải rùng mình, nhưng khi được thưởng thức thì rất dễ “nghiện” như bún cua thối, muối kiến vàng, bún mắm.
Bún cua thối
Đây là món ăn rất kén người ăn bởi không phải ai cũng chịu được mùi thum thủm của cua đồng lên men.
Cua đồng sau khi bắt về, được rửa sạch,giã lấy nước, bỏ xác, thêm một ít muối, ủ kín qua đêm cho lên mùi rồi mang đi nấu.
Măng tươi xào săn, cho nước cua đã ủ vào, đun sôi kỹ, thêm mắm, đường, mì chính vừa ăn. Khi ăn, ăn kèm với bún.
Theo người Gia Lai, món ăn này có nguồn gốc từ một người dân ở Bình Định, di dân tới Gia Lai và mang món ăn này tới đây. Nó là sự pha trộn giữa mắm cua, thịt ba chỉ, măng, chả, nem chua, da heo chiên giòn, bánh phồng tôm, rau sống.
Theo cảm nhận của những vị khách chịu được mùi thối thì món bún cua thối có vị ngon riêng, mằn mặn, cay cay rất lạ.
Muối kiến vàng
Muối kiến vàng được làm từ kiến và trứng kiến vàng – loài kiến chân cao, làm tổ trên cây trong rừng.
Theo người dân, việc bắt kiến cũng khá đơn giản. Kiếm một cây sào dài chừng vài mét, khều tổ kiến từ trên cây xuống, cho cả vào thau nhôm. Rũ bỏ tạp chất, lấy con kiến và trứng kiến. Đem về cho lên chảo rang, cho tới khi kiến khô, chín thơm thì thôi.
Sau đó, cho kiến vào cối, thêm ớt, muối, bột ngọt giã nhỏ. Vậy là xong món muối kiến.
Loại muối này được thay thế cho muối ớt, chấm ăn kèm nhiều món, đặc biệt là chấm các loại thịt nướng.
Bún mắm nêm
Món ăn dân dã này có thể khiến nhiều thực khách không quen với vị nồng của mắm nguyên chất cảm thấy khó ngửi.
Thành phần chính tạo ra sự khác biệt của món ăn chính là mắm nêm. Mắm nêm được làm từ cá cơm rửa sạch, ướp với muối theo một tỉ lệ nhất định, rồi ủ kín. Sau từ 7-9 ngày, khi mắm hơi sền sệt, có mùi đặc trưng thì lấy ra ăn.
Khi ăn mắm cùng với bún, có thể thêm nhiều loại gia vị như chanh, tỏi, ớt, đường và dứa bằm nhỏ để làm dịu vị mặn và dậy mùi thơm ngon của món ăn.