Các chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nông thôn miền núi (NTMN) đã góp phần mang lại diện mạo mới cho những vùng nông thôn nghèo, cải thiện kinh tế nông hộ tại TP. Đà Nẵng.

Từ đầu năm đến nay, gia đình anh Phạm Dũng đã thu được gần 60 triệu đồng từ mô hình nuôi dê giống mới. Ảnh: VGP/Minh Trang.
Từ đầu năm đến nay, gia đình anh Phạm Dũng đã thu được gần 60 triệu đồng từ mô hình nuôi dê giống mới. Ảnh: VGP/Minh Trang.

Thay đổi nhận thức người dân

Ông Lê Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng Phòng NN&PTNT huyện Hoà Vang đưa chúng tôi đến thăm gia đình anh Phạm Dũng (thôn Cẩm Toại Tây, xã Hoà Phong), một nông hộ “đổi đời” nhờ 2 dự án chăn nuôi giống chất lượng cao.

Gia đình anh Dũng triển khai dự án chăn nuôi dê kết hợp trồng cỏ và nuôi thỏ trắng New Zealand từ năm 2011. Khi đó, anh Dũng được huyện hỗ trợ 8 con dê, 50 con thỏ giống, đồng thời được cung cấp thức ăn và giống cỏ ban đầu. Sau một năm thử nghiệm, đến năm thứ hai đàn dê và thỏ của gia đình anh Dũng bắt đầu cho thu nhập.

Anh Dũng cho biết: “Thịt dê và thỏ New Zealand được thị trường rất chuộng. Dê thì 8 tháng xuất bán một lần, mỗi con bán được từ 3-4 triệu đồng. Thỏ thì mỗi năm cho 2-3 lứa, mỗi lứa khoảng 30 con. Từ đầu năm đến nay gia đình tôi thu được gần 40 triệu đồng từ nuôi dê và gần 20 triệu đồng từ nuôi thỏ”.

Ông Lê Ngọc Sơn giải thích thêm: Chăn nuôi dê kết hợp trồng cỏ và nuôi thỏ trắng New Zealand là 2 dự án khoa học công nghệ (KHCN) cấp Nhà nước, có kinh phí Trung ương hỗ trợ, được triển khai tại Đà Nẵng.

Qua thời gian thực hiện, dự án đã tạo được giống mới, chất lượng cao, thích nghi với điều kiện nuôi tại Thành phố và sinh trưởng, phát triển tốt. Từ đàn dê ban đầu 160 con, qua quá trình nuôi dưỡng, đến nay đã lên khoảng 300 con. Mô hình nuôi thỏ đã cung cấp 1.000 con giống cho 20 hộ, mỗi hộ 50 con để phát triển kinh tế.

“Với một gia đình làm nông, chỉ quanh quẩn với việc trồng lúa và nuôi gà, nuôi heo, thu nhập ít ỏi… thì mô hình kinh tế mới chăn nuôi dê, thỏ chất lượng cao thực sự là đòn bẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập”, ông Sơn cho hay.

Cùng với việc phát triển kinh tế nông hộ nhờ chăn nuôi, Đà Nẵng còn thử nghiệm và nhân rộng nhiều mô hình ứng dụng KHCN vào cuộc sống.

Chẳng hạn, trong khuôn khổ Chương trình Chuyển giao công nghệ phát triển NTMN, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ (Sở KH&CN TP. Đà Nẵng) đã triển khai mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời tại 24 đơn vị trong huyện Hòa Vang, như Bệnh viện đa khoa huyện, 11 trạm y tế các xã, 11 trường mầm non, Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh Hòa Nhơn.

Tại Trạm y tế xã Hòa Nhơn (mỗi tháng tiếp nhận khám, chữa bệnh cho khoảng trên 200 người và có khoảng 20-30 ca sinh), chị Trần Thị Điển, Trạm trưởng Trạm y tế cho biết, với bình nước nóng 200 lít, nhiệt độ nước nóng trong những ngày nắng đạt khoảng 60-80 độ C, đã giúp cho công việc của Trạm thuận lợi hơn, nhất là trong việc tắm rửa cho trẻ sơ sinh, sát trùng dụng cụ, hỗ trợ việc tắm rửa của bệnh nhân đang điều trị.

Đà Nẵng có thời gian nắng gần như quanh năm, do vậy, việc thành công của mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời tại huyện Hòa Vang sẽ thúc đẩy nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng năng lượng mặt trời vào phục vụ cuộc sống và sản xuất, cắt giảm chi phí năng lượng, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường bền vững.

Đây cũng là một trong những việc làm minh chứng cho việc gắn kết các hoạt động KHCN với nhu cầu thực tế, phát triển cộng đồng và từng bước chuyển biến nhận thức và đời sống vật chất của người dân.
Sử dụng nước nóng từ mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời tại Trạm y tế xã Hòa Nhơn. Ảnh: VGP/Minh Trang.
Sử dụng nước nóng từ mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời tại Trạm y tế xã Hòa Nhơn.
Ảnh: VGP/Minh Trang.

Lan tỏa mạnh mẽ trong khu vực NTMN

Chương trình NTMN có tính chất liên ngành, liên vùng, được Bộ KH&CN phối hợp với các địa phương thực hiện thông qua các dự án ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ và hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm thúc đẩy ứng dụng tiến bộ KHCN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội NTMN.

Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở KH&CN cho biết, đối với TP. Đà Nẵng, Bộ KH&CN đã hỗ trợ thực hiện 13 dự án, trong đó có 7 dự án thuộc nhóm Trung ương quản lý và 6 dự án thuộc nhóm ủy quyền cho địa phương quản lý. Hiện, 8 dự án đã nghiệm thu và 5 dự án đang triển khai thực hiện. Hầu hết, các dự án đều hiệu quả và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong khu vực NTMN tại TP. Đà Nẵng.

Có thể nói, thành công bước đầu của các dự án NTMN đã tạo cơ sở hình thành và góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học cho Thành phố.

Bắt đầu từ dự án xây dựng phòng nuôi cấy mô tế bào phục vụ nhân nhanh một số giống cây đặc thù trên địa bàn Đà Nẵng với sự hỗ trợ kinh phí từ Trung ương, Thành phố đã xây dựng phòng nuôi cấy mô tế bào trực thuộc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, từ đó làm tiền đề để xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Đà Nẵng hiện nay.

Tiếp đến là những dự án, mô hình ứng dụng một số giải pháp an toàn dịch bệnh kết hợp với sử dụng dung dịch điện hoạt hóa anolit để tăng cường vệ sinh thú y; dự án xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất thức ăn bổ sung cho tôm, cá và chế phẩm vi sinh xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; dự án xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ điện hoạt hóa để làm vệ sinh, khử trùng và khử mùi nhà xưởng, dụng cụ và sản phẩm thịt...

Các dự án này đã hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh phục vụ nông nghiệp, nông thôn và người dân trên địa bàn Thành phố sản xuất các dung dịch khử trùng phục vụ phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, các dung dịch vệ sinh nhà xưởng, qua đó cải thiện đáng kể vấn đề môi trường.

Các dự án xây dựng mô hình nuôi bò lai, trồng tre lấy măng tại xã miền núi Hòa Ninh, mô hình trồng thương phẩm các loài hoa có giá trị cao, phát triển chăn nuôi dê thâm canh, sản xuất hàng hóa nấm ăn và nấm dược liệu, nhân giống và sản xuất lan hồ điệp, mô hình chăn nuôi thỏ trắng New Zealand… đã góp phần chuyển đối cơ cấu kinh tế nông nghiệp phù hợp với định hướng của Thành phố, phát triển nông nghiệp đô thị và tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thông qua các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, các dự án từ chương trình NTMN đã đào tạo kỹ thuật trực tiếp cho các cán bộ thuộc cơ quan chủ trì dự án, nâng cao trình độ kỹ thuật cho cán bộ địa phương và người dân về sản xuất nông nghiệp.

Tại Đà Nẵng, qua 13 dự án NTMN đã đào tạo 119 cán bộ kỹ thuật nắm vững quy trình công nghệ và tập huấn cho 3.775 lượt nông dân của địa phương về các kỹ thật chăn nuôi, trồng trọt tiên tiến.

Ông Lê Quang Nam đánh giá, các dự án trong chương trình NTMN đã chuyển giao ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng nông sản của các địa phương. Thông qua các dự án đã giúp nâng cao trình độ sản xuất của người nông dân, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.

Với hiệu quả thiết thực đối với các địa phương như vậy, Sở KH&CN TP. Đà Nẵng đã đề xuất lên Bộ KH&CN tiếp tục đề xuất Chính phủ phê duyệt tiếp giai đoạn 3 của chương trình và quan tâm hỗ trợ Thành phố triển khai các dự án trong khuôn khổ của chương trình.

Đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho nguồn nhân lực của các tổ chức KHCN, đầu tư nâng cao năng lực cho các đơn vị Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ, Trung tâm Công nghệ sinh học, và tăng cường liên kết, phối hợp giữa Sở KH&CN với UBND các huyện trong công tác quản lý và triển khai hoạt động ứng dụng KHCN tại địa phương.