Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nâng cao trình độ sản xuất của nông dân, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao giá trị sản xuất.

Thông tin từ sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lào Cai cho biết,sau một thời gian triển khai, Dự án Liên kết sản xuất chuỗi sản phẩm rau ôn đới an toàn gắn với ứng dụng công nghệ cao tại Sa Pa bước đầu đã đem lại hiệu quả, từng bước giúp nhân dân trong vùng dự án nâng cao thu nhập và làm quen với phương pháp sản xuất mới.

​Dự án Liên kết sản xuất chuỗi sản phẩm rau ôn đới an toàn gắn với ứng dụng công nghệ cao tại Sa Pa được triển khai từ đầu tháng 9/2016, diện tích thực hiện 30 ha, tại các xã Sa Pả (20 ha), Tả Phìn (5 ha), Trung Chải (5 ha). Mục tiêu của dự án là xây dựng và mở rộng vùng sản xuất rau chuyên canh chất lượng cao, hình thành mô hình tổ chức quản lý sản xuất rau an toàn tập trung theo mối liên kết: Hộ gia đình - cơ sở sơ chế - tổ chức, công ty thu mua - cơ sở kinh doanh - người tiêu dùng.

Ban Quản lý dự án đã đầu tư nhà màng có diện tích 500 m2, khung cột thép, vòm mái, xung quanh có lưới chắn; đầu tư 300 khay nhựa để vận chuyển rau sau thu hoạch; xây dựng 10 bể chứa rác thải bảo vệ thực vật (vỏ chai, lọ, túi…), thể tích 2 m3/bể. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất rau an toàn, quy trình áp dụng các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rau theo hướng GMP, VietGAP; chọn nguồn đất, nước tưới, giống, phân bón, phòng trừ sâu bệnh (thuốc vi sinh và thảo mộc); các phương pháp sơ chế, kiểm tra, vận chuyển, bảo quản và sử dụng sản phẩm cho người dân.

Việc thực hiện thành công dự án giúp quản lý chất lượng nông sản, hình thành và tăng cường mối liên kết bền vững giữa nông dân - doanh nghiệp. Từ đó, tạo chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm rau an toàn Sa Pa, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Nhiều hộ nông dân cho biết, ban đầu khi tham gia mô hình thì khá lo lắng, vì nghe thông tin trồng rau theo công nghệ cao rất khó, mất nhiều công trong khi chưa rõ hiệu quả. Tuy nhiên, sau một vụ tham gia dự án, các hộ nông dân đều nhận thấy hiệu quả kinh tế mà phương pháp sản xuất mới đem lại, năng suất rau đạt cao, việc tiêu thụ sản phẩm cũng dễ dàng hơn.

Lào Cai: Nâng cao năng suất trong nông nghiệp nhờ ứng dụng công nghệ cao.Ảnh minh hoạ.

Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có nhiều dự án, mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Điển hình như việc phối hợp với tỉnh Lâm Đồng xây dựng một số mô hình điểm sử dụng các loại giống rau, hoa có năng suất, chất lượng cao tại hai huyện Sa Pa và Bắc Hà. Phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh thử nghiệm mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel… Các dự án, mô hình này đã đạt hiệu quả cao và đang được nhân rộng.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai, tính đến tháng 9/2016, toàn tỉnh có gần 529 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 1.158 ha sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao.Các tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nâng cao trình độ sản xuất của nông dân, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hoá và nâng cao giá trị sản xuất. Giá trị sản xuất/ha bình quân đạt trên 100 triệu đồng/năm.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phát huy những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn 2016 - 2020, Lào Cai xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một nhiệm vụ quan trọng trong Đề án Tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp giai đoạn 2016 - 2020. Lào Cai đã dành nguồn vốn gần 192 tỷ đồng để thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu đưa giá trị bình quân sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 150 triệu đồng/ha đất canh tác/năm. Theo đó, tỉnh Lào Cai sẽ có 6 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quy hoạch ở các huyện Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên, Bảo Thắng, Mường Khương, Sa Pa, Văn Bàn và thành phố Lào Cai.