Cùng với khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên, những năm qua, nghề nuôi cá lồng trên sông Đà, nhất là ở hồ Hòa Bình đã phát triển mạnh mẽ với số lượng lồng nuôi tăng theo từng năm.

14-45-19_nh-1
Nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà góp phần cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân Hòa Bình

Nếu như năm 2015, toàn tỉnh Hòa Bình có 2.317 lồng bè nuôi cá thì đến cuối năm 2016 đã phát triển lên 4.200 lồng với sản lượng đạt khoảng 3.700 tấn cá/năm, tạo việc làm và thu nhập chohàng nghìnlao động.

Lãi 12 - 14 triệu đồng/lồng

Ưu điểm nổi bật của nuôi cá lồng là tiết kiệm được diện tích mặt nước, ngoài ra, do lưu lượng nước thay đổi liên tục nên môi trường nuôi cá trên lòng hồ sạch hơn, vì thế cá ít bị nhiễm bệnh, năng suất cao. Những năm gần đây, lồng nuôi cá được chuyển từ lồng tre sang lồng sắt, nhờ đó số lượng cá nuôi được nhiều hơn, lồng thoáng, dễ vệ sinh nên tỉ lệ dịch bệnh thấp.

Từ những thành công bước đầu của một số mô hình nuôi cá lồng trên sông, đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nơi đây. “Nếu như trước đây nuôi bằng lồng bương, tre chỉ được khoảng 20m3/lồng, việc chuyển sang nuôi lồng sắt, thấp nhất cũng hơn 70m3/lồng, sản lượng cao hơn, thoáng hơn, ít dịch bệnh hơn”, bà Nguyễn Thị Bình, cán bộ khuyến nông xã Thái Thịnh (TP. Hòa Bình) cho biết.

Với diện tích mặt nước lớn hơn 900ha, nghề nuôi, đánh bắt thuỷ sản trở thành thế mạnh của xã Hiền Lương (huyện Đà Bắc). Theo ông Xa Văn Đạm, Chủ tịch UBND xã Hiền Lương: Hiện toàn xã có 194 lồng cá, từ việc tận dụng được nguồn thức ăn gồm các loại cá nhỏ đánh bắt trên hồ và phụ phẩm nông nghiệp nên cá nuôi luôn đạt chất lượng thịt ngon, sạch.

14-45-19_nh-3
Đến mùa thu hoạch, cá được các tiểu thương thu mua và vận chuyển bằng thuyền chuyên dụng

Xác định nghề nuôi thuỷ sản là điểm nhấn trong phát triển kinh tế trên con đường xây dựng nông thôn mới, xã đã vận động nhân dân mở rộng mô hình nuôi cá sạch gắn với bảo vệ môi trường nước, đảm bảo nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững giúp người dân có thu nhập ổn định. Cá lồng được nuôi tập trung ở các xóm Doi, Mơ, Dưng, Ké với các loài trắm, chiên, lăng vàng, bỗng... Bình quân sản lượng mỗi lồng nuôi cá thu hoạch 3,5- 4 tạ cá/lồng, sau khi trừ chi phí đầu tư, thu lãi khoảng 12- 14 triệu đồng/lồng.

Gắn bó với nghề nuôi cá lồng trên sông Đà hơn một năm nay, anh Phan Trung Hiếu (xóm Vôi, xã Thái Thịnh, TP. Hòa Bình) chia sẻ, anh có 24 lồng cá, trung bình 500 con/lồng, chủ yếu là cá trắm, chiên, ngạnh,... căn cứ theo kích cỡ lồng và giống cá mà thả mật độ phù hợp.

Theo anh Hiểu, thị trường ngày càng ưa chuộng các loại cá cỡ lớn (trên 10kg/con) nên năm vừa rồi, anh chưa thu hoạch mà gối vụ, kéo dài vụ nuôi. Tùy thuộc vào loại cá sẽ nuôi 1 năm/1 lứa hoặc 1 năm/2 lứa nhưng theo anh nguồn lợi từ việc nuôi cá ở lòng sông là rất lớn.

Còn nhiều bất cập

Theo ông Nguyễn Trần Quý, Phó trưởng phòng Kinh tế TP. Hòa Bình, trăn trở lớn nhất trong việc nuôi cá ở lòng sông hiện nay là nguồn vốn và đầu ra cho sản phẩm. Để nuôi và phát triển nghề cá, đặc biệt là cá đặc sản đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, nguồn vốn để mua con giống, mua thức ăn, chăm sóc phòng chống dịch bệnh… Trong khi đó, đầu ra lại chưa đảm bảo. Do quy mô SX nhỏ lẻ, phân tán, mang nặng tính tự phát, chưa tập trung thành những vùng có quy mô lớn cho nên năng lực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều hạn chế.

14-45-19_nh-4-1
Tùy thuộc vào kích cỡ và giống cá mà thả mật độ phù hợp. Việc nuôi cá trong lồng phải thường xuyên kiểm tra, vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo cho cá phát triển trong môi trường an toàn

Bà Nguyễn Thị Bình, cán bộ khuyến nông xã Thái Thịnh, TP. Hòa Bình cho biết, hiệu quả từ việc nuôi cá ở lòng sông Đà là rất lớn, số lượng lồng cá trên địa bàn tăng theo các năm, tuy nhiên lại chưa ổn định. Nguyên nhân do vào mùa nước đục, lượng mùn bã hữu cơ nhiều, cá dễ bị nhiễm bệnh, dẫn đến việc số lượng lồng nuôi và sản lượng bị giảm, năm nào tránh được dịch bệnh thì giá thành lại thấp. Thêm vào đó, trình độ nuôi thủy sản của địa phương còn thấp, phần lớn mới đạt mức quảng canh, manh mún. Việc chuyển giao khoa học kỹ thuật gặp nhiều khó khăn.

“Nguồn nước lòng hồ sạch, rất thuận lợi cho việc nuôi cá. Tuy nhiên, nước sông lên xuống theo mùa. Mùa hè nước cạn xuống sâu, bùn nhiều và nước bị nóng, dịch bệnh dễ phát triển, phòng bệnh không tốt cá sẽ bị chết”, anh Đỗ Văn Dương, xóm Tháu, xã Thái Thịnh (TP. Hòa Bình) chia sẻ.

Ông Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hòa Bình cho biết, đến nay, tỉnh Hòa Bình có 4.200 lồng cá với tổng sản lượng thu về là 3.700 tấn/năm. Nghề nuôi cá lồng trên sông đang có xu hướng phát triển, công nghệ nuôi lồng lưới được phổ biến rộng rãi đến người dân, giúp nâng cao thu nhập, giảm chi phí đầu tư. Tỉnh cũng định hướng xây dựng thương hiệu đặc sản cá sông Đà trong thời gian tới.

14-45-19_nh-5
Một con cá lăng trưởng thành có cân nặng khoảng 9 - 10kg

Để góp phần giải quyết những hạn chế này, đồng thời khai thác tiềm năng mặt hồ, hỗ trợ người dân SX, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 10/2015/QĐ-UBND về việc Quy định một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, hỗ trợ trong vùng quy hoạch nuôi thủy sản tập trung được UBND tỉnh phê duyệt cho các cơ sở nuôi cá bằng lồng bè quy mô 50m3 trở lên 50% kinh phí đầu tư cho một lồng nuôi, mức 25 triệu đồng, tối đa không quá 80 triệu đồng/hộ/năm.