Năm 2016, cả tỉnh có 19 đề tài nghiên cứu được nghiệm thu, với kết quả là 1 đề tài xuất sắc và 18 đề tài đạt loại khá - báo Hòa Bình cho biết. Đặc biệt, đề tài “Xây dựng bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình phục vụ cho việc bảo tồn phát huy văn hóa Mường tại tỉnh Hòa Bình” là cơ sở để hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Trong năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ Hòa Bình còn xác định được 15 đề tài cần thực hiện, đề xuất đặt hàng 5 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi; đặt hàng với Bộ KH &CN 12 nhiệm vụ KH &CN thuộc Chương trình Tây Bắc, trong đó, dự án nghiên cứu, ứng dụng phát triển du lịch tại Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình sau khi được phê duyệt thực hiện là cơ sở khoa học quan trọng cho việc triển khai, quy hoạch, xây dựng mô hình du lịch phát triển bền vững trong Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình.
Bên cạnh đó, vấn đề về sở hữu trí tuệ và hàng rào kỹ thuật trong thương mại cũng được quan tâm đúng mực, nhờ đó giúp các doanh nghiệp trong tỉnh chủ động ứng phó với cac hàng rào kỹ thuật thương mại tại các thị trường xuất- nhập khẩu. Nhiều sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm chủ lực của địa phương được hỗ trợ mạnh mẽ, xác lập quyền bảo hộ sở hữu công nghiệp dưới các hình thức: nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý (cam Cao Phong, mía tím Hòa Bình, hạt dổi Lạc Sơn, nhãn Sơn Thủy - Kim Bôi, quả lặc lày hữu cơ Lương Sơn, dệt thổ cẩm Mai Châu…) góp phần mạnh mẽ trong thương mại hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm đặc sản của tỉnh.
Ngoài việc thường xuyên truyên truyền giúp nâng cao nhận thức về các quy định của Nhà nước trong tiêu chuẩn đo lường, chất lượng, các cơ quan chuyên môn trong tỉnh thường xuyên tiến hành thanh, kiểm tra để đánh giá chất lượng mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý của nhà nước như xăng dầu, điện tử… Không chỉ thế, hoạt động quản lý công nghệ, an toàn bức xạ về hạt nhân cũng được chú trọng.
Không những thế, thông qua một số hoạt động như trưng bày sản phẩm KH&CN tại các Hội chợ, tại tỉnh, Sở đã trở thành cầu nối giữa các doanh nghiệp, giúp họ giao lưu, trao đổi, quảng bá sản phẩm KH&CN tỉnh nhà.
Trong năm 2016, Sở tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp KH&CN.
Tuy nhiên, theo đánh giá, hoạt động KH&CN trong tỉnh vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như : chưa có nhiều đề tài khoa học không sử dụng ngân sách Nhà nước; chưa phát hiện nhiều vụ việc gian lận thương mại trong kinh doanh; hoạt động chuyển giao các mô hình ứng dụng tiến bộ KH &CN chưa đạt mục tiêu đề ra: hoạt động đầu tư, nghiên cứu KH &CN và đổi mới công nghệ trong các DN còn hạn chế và chậm…