Để tạo ra sản phẩm Bưởi Đoan Hùng tuyệt hảo và chất lượng cần rất nhiều yếu tố. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tìm hiểu được các yếu tố nào tác động đến chất lượng của Bưởi Đoan Hùng.
Yếu tố tự nhiên
- Điều kiện địa hình, địa mạo
Địa hình huyện Đoan Hùng được chia thành 3 tiểu vùng khác nhau. Vùng trồng Bưởi gồm 17 xã thuộc 2 tiểu vùng chính là tiểu vùng thượng huyện và tiêu vùng ven sông Lô, sông Chảy, nằm dải theo trục quốc lộ số 2 và quốc lộ 70, có địa hình khá phức tạp do có sự xen kẽ giữa đồi núi và các thung lũng nhỏ, nhìn chung 2 tiểu vùng này đều có những nét đặc thù riêng biệt như sau:
Tiểu vùng thượng huyện: có địa hình cao, phần lớn là các dải đồi núi cao nằm xen kẽ nhau và bị phân cắt bởi các thung lũng nhỏ, độ dốc trung bình thường từ 12 – 25oC.
Tiểu vùng ven sông Lô, sông Chảy: có độ cao thấp hơn, địa hình chủ yếu là các dạng gò đồi thấp và các dải phù sa nhỏ bằng phẳng ven sông, độ dốc trung bình khoảng 3 – 8oC.
Về địa mạo vùng đất trồng bưởi khá phức tạp, với nhiều dạng địa mạo nằm xen kẽ lẫn nhau, bao gồm:
• Dạng núi thấp, đồi cao: có dạng bát úp hoặc các dải dài, thường có độ cao trên 100m. Giữa các quả đồi là các thung lũng nhỏ hẹp, đây là dạng chuyển tiếp giữa trung du và miền núi.
• Dạng đồi thấp và các gò: Các quả đồi có dạng bát úp, đỉnh tròn, tầng đất khá dầy, độ cao chỉ khoảng 60 - 100m, phân bố rải rác.
• Dạng gò, lượn sóng (Thềm phù sa cổ): Là nhưng dải đất hẹp chạy dọc hai bên bờ sông Lô và sông Chẩy. Chủ yếu là các gò thấp, dưới 50 m, có nơi cao hơn (thường là phù sa cổ phủ trên nền đá biến chất) hoặc địa hình thoải, lượn sóng.
• Dạng đồng bằng phù sa mới: Là những giải đất với đại địa hình tương đối bằng phẳng, không rộng lắm, chạy dọc theo sông Chảy và sông Lô được tạo nên bởi vật liệu phù sa mới của các con sông này.
Vùng trồng bưởi nằm trên khu vực có cấu tạo địa chất Inđôxinit miền Bắc và nằm trong hai yếu tố kiến tạo chính mà ranh giới là hệ đứt gẫy sâu sông Chẩy. Về phía tây là hệ thống địa máng uốn nếp Tây Việt Nam, phía đông là địa máng uốn nếp Đông Bắc Việt Nam và nằm trong các đới kiến tạo chủ yếu sau: đới sông Hồng, đới sông Đà, đới Phanxiphăng và đới sông Lô. Các chuyển động tạo sơn Calêđôni, Inđôxini và vận động kiến tạo Hécxini đã làm thay đổi địa hình sâu sắc.
- Điều kiện đất đai
Khu vực trồng bưởi có 4 nhóm đất chính, đó là:
Nhóm đất phù sa – Fluvisols: được hình thành từ sự bồi tụ của 2 con sông, gồm sông Chảy và sông Lô, phân bố dọc theo 2 con sông. Nhóm đất này có địa hình bằng phẳng, thành phần cơ giới nhẹ đến trung bình, tơi xốp, ít chua, hàm lượng cacbon hữu cơ và đạm tổng số thường chỉ đạt ở mức thấp, nhưng lân và kali tổng số lại đạt ở mức độ khá.
Nhóm đất đỏ - Ferralsos: được hình thành tại chõ do sự phong hóa của đá mẹ, có diện tích nhỏ, phân bố ở dạng địa hình đồi thấp. Nhóm đất này có thành phần cơ giới trung bình đến nặng, tới xốp, chua, hàm lượng đạm, lân, kali trung bình đến thấp.
Nhóm đất xám – Acriosols: được hình thành do sự phong hóa của đá phiến sét, đá biến chất và trên thềm phù sa cổ, phân bổ trên nhiều dạng địa hình khác nhau, có ở tất cả các xã trong vùng trồng bưởi. Nhóm đất này có thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến nặng, khá tơi xốp, chua đến chua vừa, hàm lượng dinh dưỡng ở mức trung bình tùy theo các điều kiện hình thành.
Nhóm đất cát – Arenosols: được hình thành từ sự bồi đắp của sông Lô, tập trung ở các xã Chí Đám. Nhóm đất này có thành phần cơ giới từ cát đến cát pha, ít chua nhưng các hàm lượng dinh dưỡng chỉ đạt mức nghèo.
Chất lượng bưởi Bằng Luân được quyết định chủ yếu bởi các tính chất của đất như độ chua, đạm tổng số, lân tổng số và hàm lượng Bo. Trong khi đó, chất lượng bưởi Sửu được quyết định bởi độ chua, cacbon hữu cơ tổng số, đạm tổng số, lân tổng số, Bo và Coban của đất.
- Điều kiện về sông ngòi
Đoan Hùng có mất độ sông ngòi khá cao; đây cũng là ngã ba sông, nơi hội tụ của hai con sông lớn là Sông Lô và Sông Chảy. Ngoài hai con sông lớn, huyện còn có 28 ngòi suối lớn nhỏ. Cứ bình quân khoảng 3km2 lưu vực thì có một ngòi dài.
Sự có mặt của hai con sông lớn tạo ra một kiểu khí hậu đặc trưng cho vùng thượng huyện của Đoan Hùng. Đây cũng là một trong những yếu tố tạo nên hương vị đặc biệt của cấy bưởi Đoan Hùng.
- Điều kiện khí hậu
Các chỉ tiêu về nhiệt độ đều thích hợp với cây bưởi, đặc biệt là các thời kỳ sinh trưởng của cây như ra lộc, ra hoa và kết trái. Chế độ mưa ở Đoan Hùng rất phù hợp với chu trình sinh trưởng phát triển của cây bưởi, cụ thể tháng 11 có số ngày mưa ít trùng với thời kỳ quả chín nên giữ được hàm lượng tối đa các chất sinh hóa trong bưởi. Lượng mưa tập trung vào mùa hè, là thời điểm quả cần nhiều nước cho quá trình tích lũy đường, axit, vitamin C và dịch quả.
Yếu tố con người
Là một vùng trồng bưởi có lịch sử hơn 200 năm, kinh nghiệp và kỹ thuật canh tác của người dân được truyền qua từng thế hệ. Những kỹ thuật sản xuất, tác động đến cây bưởi đều dựa trên khả năng cảm quan, đánh giá để đưa ra những tác động thích hợp cho sự phát triển của cây bưởi.
Sự khéo léo trong kỹ thuật sản xuất, thu hoạch và bảo quản là những giá trị đặc trưng của con người Đoan Hùng, một yếu tố rất quan trọng để hình thành chất lượng đặc thù của quả bưởi Đoan Hùng.
Phương Thảo - Hương Trang (Cục Sở hữu trí tuệ)